Công nhân lao động Thủ đô tích cực phát huy sáng kiến, sáng tạo

12/10/2022 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất nên thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, công nhân tiêu biểu, điển hình đạt kết quả cao. Qua đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả lao động cho doanh nghiệp.

Công nhân lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo - Ảnh 1.

Phong trào sáng kiến, sáng tạo trong đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp và công nhân lao động tham gia. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo LĐLĐ TP. Hà Nội, Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế của cả nước, là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, với khoảng 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 2,7 triệu người lao động. Trong đó, có hơn 6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 9 khu công nghiệp, với khoảng 160 nghìn lao động. LĐLĐ Thành phố đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động của 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc, với tổng số 9.698 công đoàn cơ sở và 652.808 đoàn viên công đoàn.

Năm 2022, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực… Vượt qua khó khăn, Công đoàn Thủ đô luôn đồng hành, hết lòng ủng hộ và trân trọng những doanh nghiệp bền bỉ ngày đêm nỗ lực luôn coi lợi ích của người lao động gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời các cấp công đoàn Thành phố cũng tích cực phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức phát động các phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức người lao động thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu "Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn".

Từ năm 2018, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về triển khai phát động, thực hiện xét chọn công nhận danh hiệu "Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô". Qua 5 năm phát động và thực hiện xét chọn theo quy định mới, phong trào đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước. Phong trào đã góp phần quan trọng trong giải quyết khó khăn, ách tắc sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Điểm nhấn của phong trào này là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, Hà Nội đã có 93.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 1.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Tiêu biểu như sáng kiến "Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp" của anh Hoàng Văn Thành - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam. Do nhận thấy bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp vẫn còn nhiều điểm không tốt, dẫn tới chi phí sửa khuôn hàng năm rất cao. Vì vậy, anh Hoàng Văn Thành  đã chủ động lên ý tưởng và họp với nhà cung cấp để nhà cung cấp tự nhận diện được điểm chưa tốt và cải tiến. Kết quả đã giúp giảm chi phí sửa trung bình 1400USD/khuôn, tiết kiệm 16 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Hay sáng kiến "Tối ưu hiệu quả đầu tư bằng việc quản lí chi phí tái cơ cấu khuôn đúc nhựa đang sử dụng cho sản xuất hàng loạt" của anh Nguyễn Văn Quý - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam đã giúp giảm chi phí tái đầu tư khuôn đem lại giá trị làm lợi 15,2 tỷ đồng/năm…

Ngoài ra, còn có những sáng kiến thiết thực phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19 như: Sáng kiến "Chế tạo máy khử khuẩn thang máy" của anh Nguyễn Công Linh - Công ty cổ phần Airtech Thế Long có giá trị làm lợi hơn 500 triệu đồng; sáng kiến "Chế tạo máy sản xuất khẩu trang" của anh Vi Ngọc Sơn và cộng sự; sáng kiến "Buồng khử khuẩn toàn thân" của anh Đoàn Văn Dương và cộng sự của Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ và CNC Việt Nam, đã nghiên cứu và thiết kế chế tạo máy khẩu trang cho các công ty sản xuất khẩu trang ở khu vực miền Bắc, kịp thời làm giảm sự khan hiếm khẩu trang trong tình hình dịch bệnh phức tạp và không bị phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc. 

Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào " Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" được gắn liền với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức " Trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo". Đồng thời tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế "một cửa" và " một cửa liên thông", áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của thành phố Hà Nội.

Riêng trong lĩnh vực y tế, phong trào đã hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, "Nâng cao y đức", "Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ người bệnh" và đẩy mạnh công tác y tế dự phòng. Tham gia tích cực, trực tiếp tuyến đầu vào công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong ngành đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác: Lương y như từ mẫu. Từ phong trào thi đua, nhiều đơn vị trong ngành đã tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong khám và chữa bệnh tạo được niềm tin với người dân. Nhiều đề tài, sáng kiến của đội ngũ y, bác sỹ được công nhận và đánh giá cao. Tiêu biểu như sáng kiến: "Khung nắn chỉnh ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy": Bộ dụng cụ được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, đã áp dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy. Khi sử dụng bộ dụng cụ rất an toàn, không gây tai biến và biến chứng, giúp quá trình nắn chỉnh trong phẫu thuật được nhanh chóng, giảm số lượng bác sĩ trong ca phẫu thuật và tiết kiệm được chi phí khi phải nhập bàn chỉnh hình với trị giá hàng trăm triệu đồng. Có khả năng áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Bên cạnh những cá nhân tiêu biểu còn có nhiều doanh nghiệp cũng tích cực tham gia phong trào thi đua và đạt được nhiều kết quả. Thời gian qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đảm bảo duy trì việc làm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện đối với người lao động.

Ngoài việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật, lãnh đạo các doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các loại đèn và thiết bị chiếu sáng của ô tô, xe máy, các sản phẩm linh kiện điện tử, khuôn mẫu và đèn Led chiếu sáng đường phố. Công ty thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hơn 700 tỷ mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 2.300 người lao động với thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động là 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty luôn tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong như: Trợ cấp khó khăn, thăm hỏi với số tiền 1,2 tỷ đồng/năm; tổ chức tốt các Hội thi tay nghề và thành lập hội đồng xét sáng kiến cấp cơ sở…

Hay Công ty cổ phần Nicotex, là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái (UAV).  Công ty thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trên 50 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 512 người lao động, thu nhập bình quân 13triệu đồng/người/tháng. Đồng thời điều kiện làm việc của người lao động luôn được đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng.

Thiện Tâm

Top