Cúm mùa tăng cao, chủ động tiêm vacicne để phòng bệnh hiệu quả

20/07/2022 1:19 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tuy giữa mùa hè nhưng số ca mắc cúm mùa đang tăng cao, trái với quy luật mọi năm. Vì vậy cảnh báo nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, người dân không nên lơ là, chủ quan và cần tiêm vaccine phòng bệnh.

Cúm mùa tăng cao, chủ động tiêm vacicne để phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhi điều trị cúm tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Xuân Lộc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, hiện nay tình hình bệnh cúm mùa trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc cúm mùa trong tháng 6 đã tăng so với tháng 5 năm 2022. Đồng thời, ghi nhận nhiều trường hợp đi khám, chẩn đoán mắc cúm mùa tại một số bệnh viện trên địa bàn như: Bệnh viện Nhi Trung ương,  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và một số bệnh viện khác của Hà Nội.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, kể từ ngày 01/01 đến 18/7, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5 số mắc tăng cao, đặc biệt trong tháng 6 ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Tổng số ca mắc cúm trên địa bàn thành phố đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện có 252 ca, phân bổ tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp chỉ định nhập viện, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền, hầu hết khỏi sau 3 – 4 ngày điều trị. Đồng thời ghi nhận một trường hợp viêm phổi nặng suy hô hấp. Hiện, bệnh viện còn khoảng 20 bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi; nhóm tuổi 18 – 49 tuổi; nhóm tuổi 6 – 18 tuổi; nhóm tuổi trên 50 tuổi.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ghi nhận số người đến khám do mắc cúm có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo về tình hình khám, thu dung điều trị các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp nghi nhiễm cúm mùa đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện trong thời gian từ ngày 1 đến 15/7 cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm (chiếm tới 52,8% số lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm là 1.068/2.020). Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm. Trong đó có 2 trường hợp viêm phổi ARDS nhập viện.

Điển hình như bệnh nhân L.T.Q, (78 tuổi, Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ). Bệnh khởi phát ngày 13/7 với các biểu hiện sốt nóng, người mệt mỏi, ăn ngủ kém nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ khám vào 20h cùng ngày. Sau đó Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông vào khoa cấp cứu và được làm xét nghiệm, chẩn đoán bị viêm phổi ARDS do cúm. Nhưng sau đó bệnh nhân diễn biến nặng, khó thở nên đã được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Qua điều tra dịch tễ tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh cho thấy, gia đình bệnh nhân có 5 người, sức khỏe hiện tại các thành viên trong gia đình bình thường. Các hộ xung quanh không phát hiện trường hợp mắc cúm.

Theo TS, BS. Trần Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Trong nhưng ngày gần đây, số ca  đến khám và nhập viện vì cúm A tăng đột biến. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 ca, nhập viện tầm 50 ca. So với cùng kỳ năm trước thì số ca mắc cúm đã gia tăng nhiều và nhanh hơn, đây cũng là sự bất thường vì hiện nay không phải là mùa cúm.

Bệnh cúm có một số trường hợp có thể điều trị tại nhà sau thăm khám nhưng cũng có những trường hợp biến chứng nặng, nhất là đối vơi người có bệnh lý nền, trẻ nhỏ, người cao tuổi. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nên rất dễ lây lan qua đường hô hấp, mọi người đều có thể mắc, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai. Vì vậy, người dân cần chủ dộng phòng bệnh để tránh dịch chồng dịch.

Theo đó, người dân nên hạn chế không tụ tập trong những không gian kín, hẹp, không thoáng khí. Đồng thời tiêm vaccine để phòng bệnh.

Chia sẻ với báo chí, trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thu Hường cho biết, những ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị, trước đó chỉ ghi nhận rải rác một số ca bệnh. Trong khi đó các ca mắc sốt xuất huyết ít hơn, chỉ có vài ca, nhưng số ca mắc cúm A lại tăng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, trong thời gian tới, bệnh cúm vẫn đang tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là trong nửa đầu tháng 7. Hầu hết các trường hợp mắc có biểu hiện nhẹ, điều trị ngoại trú, các trường hợp nhập viện thường là các đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền, người già.

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Đồng thời tiêm vacicne cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thiện Tâm

Top