Đảm bảo hài hoà lợi ích khi di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô

04/09/2023 8:03 AM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, Hà Nội đã thực hiện chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học khu vực nội đô ra ngoài nhằm giảm tác động ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, công tác di dời vẫn là một vấn đề khó của Thành phố, cần tiếp tục đặt quyết tâm cao.

Đảm bảo hài hoà lợi ích khi di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô - Ảnh 1.

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: VGP

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô được đề cập lần đầu trong quyết định của Thủ tướng vào năm 2003. Đến năm 2015, việc này tiếp tục được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Xin Ông cho biết, Hà Nội đã triển khai các kế hoạch này như thế nào?

Ông Mai Trọng Thái: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các Quyết định số 09/2007/TTg ngày 19/01/2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, thành phố Hà Nội đã quan tâm và triển khai thực hiện, chỉ đạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ sớm. Trong quá trình triển khai, các sở ngành Thành phố đã chủ động tham mưu UBND Thành phố có ý kiến với Bộ Tài chính về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 81/2011/TT-BTC ngày 09/6/2011 về hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg.

Ngày 31/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (có hiệu lực ngày 01/01/2018), trong đó quy định  về xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường (Điều 21) quy định: Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp; Đối với nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà, đất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành). UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5270/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch ra ngoài khu vực nội thành.

Đến ngày 09/8/2023, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3985/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ

Bên cạnh việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/TTg, thực hiện các chủ trương di dời UBND Thành phố đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị: 67 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ thương mại với diện tích 102,07 ha, trong đó: Diện tích cho xây dựng nhà ở là 39,3385 ha; diện tích đất cho mục đích xây dựng trường học là 12,8718 ha; diện tích đất làm hạ tầng kỹ thuật là 44,6357 ha; diện tích đất dịch vụ là 5,2299 ha. 27 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích 38,6017 ha.

Chuyển biến đáng kể nhất thể hiện ở những công sở di dời từ khu vực nội đô lịch sử ra các quận mới. Quy hoạch - kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực tây Hồ Tây cũng đã được nghiên cứu, tổ chức thi tuyển. Khu đô thị phía nam Đại lộ Thăng Long cũng đã dành quỹ đất cho khu vực thứ hai cho việc di dời các công sở Trung ương ra khỏi nội đô...

Đảm bảo hài hoà lợi ích khi di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô - Ảnh 2.

Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi; một trong 9 cơ sở nhà đất phải di dời khỏi khu vực nội đô theo quy hoạch trên địa bàn thành phố đợt 1. Ảnh: VGP

Dù Trung ương, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, mốc thời gian rõ ràng, nhưng tiến độ thực hiện vẫn không đạt như kỳ vọng. Xin ông cho biết những cơ sở còn lại trong danh mục này cụ thể như thế nào? Nguyên nhân của sự chậm chễ này?

Ông Mai Trọng Thái: Kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo được UBND Thành phố ban hành từ năm 2010, trong đó phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo, xác định đối tượng di dời, lộ trình di dời hoàn thành xong trong năm 2015.

Kết quả đạt được chủ yếu do sự chủ động thực hiện của các Chủ đầu tư cơ sở sản xuất, do các nguyên nhân: Giai đoạn đầu triển khai thực hiện chưa có các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích được doanh nghiệp tích cực chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và các quận, huyện trong triển khai thực hiện dù đã tích cực hơn song có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Các đơn vị sau khi di dời nhưng vẫn khai thác cơ sở cũ dẫn đến việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời bổ sung công trình công cộng, hạ tầng như mục tiêu quy hoạch chưa thực hiện được. Nguồn vốn thực hiện cho công tác di dời lớn, đồng thời thiếu cơ chế chính sách sử dụng quỹ đất trụ sở sau khi di dời. Việc hạn chế công trình cao tầng khu vực nội đô đang được triển khai cũng có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chủ trương di dời.

Bên cạnh đó, hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời, cụ thể như việc xác định đối tượng di dời (Quyết định 130 thì không phân biệt doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước; Nghị định 167 và Nghị định 67 quy định doanh nghiệp do nhà nước chiếm từ 50% vốn điều lệ; thẩm quyền phê duyệt danh mục theo QĐ 130 là Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền phê duyệt danh mục theo Nghị định 167 là Thủ tướng Chính phủ đối với di dời do ô nhiễm môi trường; UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch);

Cùng với đó, hiện nay cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch (trước đây chính sách tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010, có quy định: Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch nay đã hết hiệu lực thi hành).

Theo Quyết định số 130 (Điều 3): Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Như vậy nhiều Doanh nghiệp có cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch không thống nhất đưa vào danh mục di dời (do theo quy định của Luật Đất đai thì có hình thức chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch).

Ngoài ra, Quyết định 130 quy định: cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được duyệt; Nghị định 167/2017/NĐ-CP xử lý di dời nhà, đất phải di dời theo quy hoạch do ô nhiễm môi trường.

Xin ông cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu những giải pháp căn bản nào với Thành phố để những quyết tâm chính trị có thể thực hiện được như kế hoạch đã đặt ra?

Ông Mai Trọng Thái: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố chỉ đạo các ngành sớm tham mưu để cùng các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất danh mục và thời hạn chót các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo quy định, phù hợp khả năng nguồn lực và đảm bảo khả thi.

Chỉ đạo các sở, ngành của Thành phố chủ động làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, trong đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Phân công rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp và chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ đạo việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch phải gắn với việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất sau di dời theo quy hoạch, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt cần chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tới tổ chức, doanh nghiệp về kế hoạch, lộ trình, cơ chế chính sách hỗ trợ của Thành phố về công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn Thành phố; thực hiện kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường; Riêng đối với các cơ sở không phù hợp quy hoạch, chỉ đạo liên ngành chủ động công bố công khai thông tin quy hoạch để đối tượng phải di dời biết và chủ động thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của Thành phố cũng sẽ kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các quận triển khai thực hiện lập danh mục theo đúng các quy định đảm bảo tính chính xác và khả thi trong thực hiện. Tổng hợp những vướng mắc, bất cập về chính sách báo cáo Thành phố để có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ. Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong cộng đồng dân cư theo quy định. Nghiên cứu đánh giá, phân loại cụ thể, chính xác mức độ gây ô nhiễm của từng cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng để có biện pháp xử lý đảm bảo theo đúng quy định.

Đối với các quận, huyện, thị xã, trên cơ sở hướng dẫn của Thành phố, cần tích cực rà soát, lập doanh mục các cơ sở phải di dời báo cáo UBND Thành phố và Ban chỉ đạo của Thành phố đảm bảo tiến độ yêu cầu. Phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý; hỗ trợ, hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện di dời.

Các quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quỹ đất trên địa bàn sau khi các cơ sở di dời theo đúng quy hoạch. Nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng về trách nhiệm kiểm tra, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đất đai và bảo vệ môi trường của các cơ sở, đơn vị trên địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị rõ thái độ xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền cấp trên.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top