Đan Phượng: Phát triển từ nông nghiệp công nghệ cao

02/11/2017 4:00 PM

(Chinhphu.vn)-Sau khi được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài nhiệm vụ tiếp tục duy trì, giữ vững và phát huy các tiêu chí đã đạt, huyện Đan Phượng còn tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) và tạo điều kiện về thủ tục hành chính nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình-Ảnh Minh Nhung

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Đan Phượng cho biết, huyện Đan Phượng có nhiều thế mạnh và điều kiện để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, huyện không chỉ tập trung vào cấy lúa mà chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân.  

Thời gian vừa qua, huyện Đan Phượng đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm trong khung thời vụ, theo kế hoạch sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng năm 2017 là 6.640 ha, bằng 98,1% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa cấy có xu hướng giảm (năm 2016 bằng 92% so với năm 2015, năm 2017 bằng 98,1% so với năm 2016) nhưng diện tích hoa, cây cảnh, rau đậu và cây trồng khác tăng cao, riêng diện tích gieo trồng hoa, cây cảnh năm 2017 đạt 1.287 ha. Vì vậy, giá trị trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên đơn vị canh tác bình quân đạt 178 triệu đồng/ha/năm (tăng 104,7% so với năm 2016).

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên tổng diện tích chuyển đổi của huyện tính đến tháng 10/2017 được 288 ha từ đất trồng lúa màu kém hiệu quả sang trồng hoa, rau, cây ăn quả và chăn nuôi tập trung. Trong đó hoa 127 ha; rau 56 ha; cây ăn quả 27 ha; chăn nuôi 8,9 ha… Huyện cũng phê duyệt và triển khai thực hiện 7 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích là 113 ha. Trong đó có 2 dự án chăn nuôi xa khu dân cư (35 ha) và 5 dự án trồng trọt (78,58 ha).

Theo đó, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất hoa xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp; vùng sản xuất rau xã Phương Đình, Thượng Mỗ, Thọ An; vùng sản xuất bưởi xã Thượng Mỗ; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư xã Trung Châu, Phương Đình...

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Nhận thấy hướng phát triển hiệu quả, lâu dài và phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới, huyện Đan Phượng đã tập trung sản xuất nông nghiệp CNC và ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đan Phượng, từ sử dụng giống mới, hệ thống kho lạnh, bảo quản, hệ thống tưới tự động... ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đến các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan Hồ Điệp, sản xuất rau hữu cơ.

Điển hình như mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp. Trên địa bàn huyện đã có hai cơ sở sản xuất hoa tại xã Đan Phượng và Phương Đình. Với cơ sở vật chất hiện đại và trang thiết bị đồng bộ, có hệ thống điều hòa nhiệt độ, ánh sáng và sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, sản xuất được thực hiện khép kín từ khâu trồng, thu hoạch, đóng gói đến vận chuyển. Ví dụ như quy mô sản xuất của hộ bà Dung xã Phương Đình có 661 m2 nhà khung thép tiền chế và 4.500 m2 nhà màng kính sản xuất 50.000 cây giống cho các cơ sở nuôi trồng, 20.000 cây nuôi trồng tại cơ sở đến khi ra hoa. Hay Hợp tác xã Đan Hoài với 12.500 m2 nhà màng lưới, sản xuất 150.000 cây giống và 100.000 cây thương phẩm cung cấp cà thị trường trong và ngoài nước.

Về sản xuất rau hữu cơ, theo ông Lê Văn Thìn, hiện nay đã có hộ ông Bảy ở xã Thọ Xuân và hộ ông Quý ở xã Đan Phượng đã thực hiện mô hình rau hữu cơ công nghệ cao với tổng diện tích nhà màng lưới là 7.780 m2. Theo đó, rau được trồng trong nhà màng lưới, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, có hệ thống tưới tự động, thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu làm đất, nhân giống, trồng chăm sóc, thu hoạch; năng suất bình quân đạt 387 tạ/ha, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong toàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện thí điểm sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ một phần trong nhà màng - lưới,  có hệ thống tưới tự động tại trường mầm non xã Thọ Xuân và Phương Đình với tổng diện tích 0,126 ha, đảm bảo cung cấp rau an toàn cho các cháu học sinh của trường.

Ngoài ra, huyện Đan Phượng còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất dưa lưới xã Đan Phượng (1.200 m2), sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh tại xã Đan Phượng (7.979 m2).

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển và ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện, tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, là với xu hướng này, huyện đã bước đầu hình thành các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, từng bước xây dựng và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.

Tuy nhiên,trong sản xuất nông nghiệp của huyện mặc dù  đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn chưa nhiều, chưa xây dựng được mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản chủ lực.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, ông Lê Văn Thìn cho biết, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổ chức lại sản xuất; chỉ đạo các xã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo từng loại cây, công khai đến toàn thể nhân dân biết và tổ chức thực hiện; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm theo kế hoạch; chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm rau hữu cơ tại xã Đan Phượng, Thọ Xuân.

Đặc biệt, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 27 và Quyết định số 28 của Thành phố; làm tốt công tác tập huấn, cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và lĩnh vực công thương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Minh Nhung

Top