‘Dân vận khéo’: Hiệu quả từ sự đồng thuận
(Chinhphu.vn) - Gần 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn TP. Hà Nội với trung bình hơn 10 nghìn mô hình được đăng ký thực hiện mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Nhiều mô hình "Dân vận khéo" phát huy hiệu quả
Kể từ khi đăng ký xây dựng mô hình Dân vận khéo năm 2009, đến nay, huyện Gia Lâm ghi dấu ấn với 3.845 mô hình "Dân vận khéo", trong đó có 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân. Các mô hình được xây dựng trên 4 lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Trong 15 năm, huyện đã tổ chức 25 lớp tập huấn chuyên đề về công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" cho trên 4.525 lượt học viên là thành viên khối Dân vận từ huyện đến cơ sở; tổ chức 2 lớp học tập chuyên đề về "Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước" cho 950 lượt học viên là lãnh đạo các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân huyện, các xã, thị trấn và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm Đào Xuân Trường cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện, phong trào đã có những bước phát triển mới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân.
Kết quả, đã có 1.291 mô hình tập thể và 871 mô hình cá nhân, trong đó cấp Thành phố là 11 mô hình, cấp huyện là 217 mô hình tập thể, 142 mô hình cá nhân, cấp xã là 1.063 mô hình tập thể và 729 mô hình cá nhân được công nhận điển hình "Dân vận khéo".
Đặc biệt, phong trào "Dân vận khéo" đã đi vào những lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, thực hiện liên doanh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như: 9 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 5 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, cụm sản xuất làng nghề tập trung hoạt động ổn định; mạng lưới chợ và 1 trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả…
Tại quận Hoàn Kiếm, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hoàn Kiếm Phạm Thị Thu Thủy cho biết, Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn những năm qua đã thực sự đi vào đời sống xã hội của nhân dân; phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động của nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Phong trào thi đua đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần làm chuyển biến trong việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao ý thức trách nhiệm, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát cơ sở, sát dân và vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Phong trào thu được nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay, hiệu quả của các tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo, xây dựng đô thị thông minh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Tiêu biểu như lĩnh vực kinh tế-văn hóa, một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình Dân vận khéo trong tuyên truyền việc triển khai thí điểm tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn của UBND phường Hàng Bạc; Mô hình Dân vận khéo trong việc quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn phường của UBND phường Hàng Gai; Mô hình Dân vận khéo trong bảo tồn, quảng bá dòng tranh Hàng Trống gắn với phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử đình Nam Hương của UBND phường Hàng Trống...
Năm 2024, 18/18 phường tổ chức Ngày hội "Dân vận khéo" biểu dương, khen thưởng 240 tập thể, 175 cá nhân mô hình, điển hình "Dân vận khéo" cấp cơ sở. Quận biểu dương, khen thưởng 21 tập thể, 9 cá nhân có mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu năm 2024, cấp Thành phố đề xuất khen thưởng 1 tập thể…
Ngoài ra, phong trào "Dân vận khéo" đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với đồng bào sinh sống tại các xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tập trung vào việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; hỗ trợ vay vốn cho các hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo và làm giàu.
Có sức lan tỏa lớn
Từ năm 2009 đến nay, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố, tạo sức lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, khi thực hiện các nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, trong những thời điểm nhiều cam go, thử thách công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" càng chứng minh hiệu quả rõ nét.
Thông qua triển khai phong trào đã huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Thành phố tạo động lực quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân qua khó khăn, thử thách lại càng được củng cố, tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biêt, trong thời gian tới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô và từng cơ quan, địa phương, đơn vị; phong trào thi đua "Dân vận khéo" tại Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác dân vận; nhất là đối với những vấn đề phức tạp phát sinh, những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó... và được triển khai đồng bộ, từ sớm, từ đầu, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị.
Cùng với xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" mới, Hà Nội tiếp tục quan tâm duy trì hiệu quả, nhân rộng và phát huy các mô hình, điển hình đã có. Tăng cường tuyên truyền về cách làm hiệu quả của các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" bằng các hình thức phong phú, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng;
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông hiện đại để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương, các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu; kịp thời khảo sát, đánh giá, khen thưởng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" hiệu quả, qua đó khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo"…
Diệu Anh