Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024

01/01/2025 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với sự chỉ đạo sát sao, đôn đốc quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, ngành giao thông Thủ đô đã tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật trong quản lý, điều hành lĩnh vực đầu tư hạ tầng, giao thông, vận tải hành khách công cộng năm 2024.

Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại vào ngày 8/8/2024. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội

Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị cũng như phục vụ nhu cầu sinh sống đi lại của nhân dân Thủ đô. Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh-khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, vào ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Đây là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí TP. Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên do TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Đây là tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài toàn tuyến là 13,035 km, 12 ga; trong đó có 12,575 km tuyến chính và 0,46 km đường dẫn và Depot. Đoạn đi trên cao gồm 8 ga từ ga S1 đến S8 dài khoảng 8,5 km. Đoạn đi ngầm gồm 4 ga từ ga S9 đến ga S12 dài khoảng 4 km.

Nhiều người dân bày tỏ, họ vẫn kỳ vọng ở đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 nhiều hơn nữa, đặc biệt là việc hoàn thiện toàn tuyến, kéo dài đến ga S12 (ga Trần Hưng Đạo), kết nối với tuyến số 2A tại ga Cát Linh. Khi đó đường sắt đô thị sẽ tạo nên một vòng cung kết nối giữa hai trục cửa ngõ Tây-Tây Nam Thủ đô, thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân đi lại.

Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024- Ảnh 2.

Khách hàng sử dụng hình thức thẻ ảo offline mà không cần kết nối mạng internet. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Hà Nội triển khai thẻ vé xe buýt ảo offline

Để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng hình thức thẻ ảo (thẻ phi vật lý) tham gia vận tải hành khách công cộng kể cả khi không có mạng internet, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội tiếp tục triển khai hình thức thẻ ảo offline dành cho khách hàng kể từ ngày 20/9/2024.

Ngay sau khi cập nhật phiên bản mới trên ứng dụng Thẻ vé Giao thông Hà Nội, khách hàng sử dụng hình thức thẻ ảo offline mà không cần kết nối mạng internet trong suốt quá trình sử dụng.

Thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) offline có thao tác sử dụng dễ dàng, phù hợp với mọi hành khách, mọi đối tượng mà thông tin vẫn được bảo mật an toàn.

Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội cho biết, thẻ vé ảo được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý (mã thẻ, thông tin chủ thẻ, loại đối tượng, thời hạn sử dụng thẻ), góp phần hạn chế gian lận và thất thoát doanh thu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ ảo giúp tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý, khách hàng không tốn thời gian, chi phí đi lại để nhận và dán tem trên thẻ vé tháng.

Thẻ ảo có giá trị sử dụng ngay khi đăng ký thẻ thành công (không mất thời gian chờ đợi 3-4 ngày lấy thẻ và không mất thời gian xếp hàng dán tem vé tháng như thẻ vật lý); thuận tiện khi đăng ký thẻ, gia hạn thẻ vé tháng cho người thân; theo dõi lịch sử sử dụng dịch vụ của cá nhân…

Vé ảo giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí quản lý và phát hành hệ thống vé, hướng tới mục tiêu có dữ liệu số để quản lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản trị của các doanh nghiệp vận tải.

Đặc biệt, loại hình vé ảo này được áp dụng cho toàn bộ thẻ vé tháng và thẻ miễn phí đi xe buýt trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô Hà Nội.

Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024- Ảnh 3.

Điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Ứng dụng công nghệ vào dịch vụ giao thông tĩnh

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, Hà Nội là địa phương tiên phong áp dụng công nghệ vào lĩnh vực giao thông, thông qua việc triển khai tìm kiếm điểm đỗ và thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố.

Bắt đầu từ ngày 9/2/2024, khu vực Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc chính thức áp dụng hình thức thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Đến ngày 15/4/2024, Hà Nội tiếp tục cho thí điểm 7 bãi trông giữ xe (cả bãi kín và bãi mở) áp dụng công nghệ vào quản lý điều hành và thu phí trông giữ phương tiện. Thời gian thí điểm 6 tháng, từ 15/4-15/10/2024.

Đến nay, sơ kết tình hình thực hiện của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, việc áp dụng công nghệ vào các điểm trông giữ xe cơ bản thuận lợi, tạo nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nhân dân và cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, rất hiệu quả với việc minh bạch nguồn thu, chống chặt chém giá trông giữ xe và chống thất thu thuế Nhà nước.

Đáng mừng hơn, từ 7 bãi xe thí điểm ban đầu, hiện Thành phố đã có khoảng 100 bãi xe chủ động tìm hiểu công nghệ và triển khai áp dụng thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Điều này cho thấy, cả doanh nghiệp trông giữ xe và người dân đều đồng tình ủng hộ với hình thức mới mẻ và ích lợi này.

Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024- Ảnh 4.

Hà Nội sẽ sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “xanh hóa” các phương tiện công cộng. Ảnh: VGP/Bích Phương

Thông qua Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện

Tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội thống nhất xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.

HĐND TP. Hà Nội thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố; đồng thời đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước…

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND Thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ thực tế của Thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Hiện nay, Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng/năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.

Đề án được xây dựng dựa trên Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí mêtan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030.

Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông Thủ đô năm 2024- Ảnh 5.

Trung tâm điều hành giao thông thông minh là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Chính thức vận hành hệ thống Giao thông thông minh

Cũng trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khai trương hệ thống Giao thông thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, Hệ thống giao thông thông minh ITS bao gồm các ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường...

Được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai phương án thí điểm hệ thống giao thông thông minh với nội dung thiết lập Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình, bao gồm: thiết bị (máy tính, màn hình tấm ghép, tường lửa, thiết bị mạng, các thiết bị, phụ kiện đi kèm…); các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh…).

Hệ thống cũng được lắp đặt thiết bị ngoại vi tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch (nút giao Hoàng Quán Chi và Ngõ 9) bao gồm: Lắp đặt camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển VMS,…

Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm: Hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Trong đó, 2 chức năng là quản lý đỗ xe và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của Thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành bên cạnh đó hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, việc đưa vào vào khai thác trung tâm điều hành giao thông thông minh là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án giao thông thông minh và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Diệu Anh

Top