Đấu giá quyền sử dụng đất để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai
(Chinhphu.vn) - Trước tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm 2022 mới đạt khoảng 9% kế hoạch được giao, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp để khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
Tiến độ đấu giá đất chậm so với cùng kỳ
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách qua các năm, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất được tiếp cận đất đai.
Theo UBND TP. Hà Nội, trên cơ sở đăng ký của các đơn vị, chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 là 12.450 tỷ đồng.
Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 30 quận, huyện, thị xã, gồm có 634 dự án (có mục đích sử dụng đất để đấu giá quyền sử dụng đất) với tổng diện tích khoảng trên 1.560 ha làm căn cứ thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt chuẩn bị quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong đó có 465 dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô diện tích dưới 2 ha với tổng diện tích khoảng 643 ha; 169 dự án đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích sử dụng đất trên 2 ha với tổng diện tích khoảng 918 ha.
Từ đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện hướng dẫn xác định ranh giới thu hồi đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đổi với 72 dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 65ha; trình UBND Thành phố ban hành 33 Quyết định giao đất với tổng diện tích khoảng 24,06 ha cho UBND các quận, huyện, thị xã để bổ sung quỹ đất đủ điều kiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022.
Đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87 ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955 tỷ đồng; đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất).
Đánh giá của Thành phố cho thấy, tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất chậm so với cùng kỳ năm 2021.
Còn thiếu tính chủ động trong quy trình thủ tục đấu giá đất
Khó khăn được UBND TP. Hà Nội cho biết, quá trình tổ chức thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá đến chuẩn bị các thủ tục thực hiện đấu giá theo quy định.
Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất.
Đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội) dẫn đến nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện thiết lập lại hồ sơ về quy hoạch, thủ tục đầu tư theo quy định; mặt khác, một số dự án phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhưng theo quy hoạch đã được duyệt thì chỉ được xây dựng nhà ở thấp tầng không phù hợp với mục tiêu của nhà ở xã hội hoặc dẫn tới sẽ phát sinh quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội có diện tích nhỏ, mạnh mún.
Công tác xác định giá khởi điểm (phải thuê tư vấn xác định giá) còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các đơn vị được giao chủ đầu tư thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn thiếu tính chủ động trong việc thực hiện các quy trình thủ tục: từ khâu thiết lập hồ sơ quy hoạch, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thu hồi đất GPMB, đến thực hiện các thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến tạo lập quỹ đất đấu giá còn chậm.
Thời gian qua, có vụ việc đấu giá có tồn tại nên các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại dẫn đến việc chậm thực hiện các thủ tục: các đơn vị tư vấn lập chứng thư xác định giá khởi điểm chậm; chậm thẩm định, quyết định phê duyệt giá khởi điểm; các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện.
Công tác tuyên truyền về đấu giá trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã còn có những hạn chế; quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất còn có sai sót, dẫn đến có chỗ, có nơi phải hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Nguyên nhân khách quan là pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát từ khâu thiết lập hồ sơ, thủ tục, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm còn hạn chế. Thành phố cũng chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất
Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, xác định giá khởi điểm, có dự án, có đơn vị còn chưa chủ động, chuyên nghiệp, quyết liệt, cải cách thủ tục hành chính.
Rà soát khó khăn, vướng mắc của các địa phương
Tại cuộc họp BCH Đảng bộ TP. Hà Nội vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, kết quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2022 của Thành phố còn khá khiêm tốn, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, chỉ tiêu thu NSNN từ đấu giá quyền sử dụng đất mới đạt khoảng 9% kế hoạch được giao.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu từ đất theo kế hoạch đã đề ra, Bí thư Thành ủy Hà nội đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo rà soát các khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, thị xã và của từng dự án để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành Thành phố.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các quận, huyện, thị xã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy trình, quy định và công khai, minh bạch.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp để khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai; cần nghiên cứu việc chuyển hình thức đấu giá quyền sử dụng đất sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của Thành phố.
UBND Thành phố cần sớm ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất làm cơ sở để triển khai các quy trình, thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất, trong đó có hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị tập trung hoàn thiện các thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
Đôn đốc các quận, huyện, thị xã hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tăng cường công khai niêm yết việc đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản; hồ sơ, cách thức đăng ký tham gia đấu giá và khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, báo cáo xin chủ trương và nghiên cứu, ban hành quy chế tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đầu tư, đấu thầu.
Gia Huy