Đầu tư bãi đỗ xe cao tầng, ngầm để giảm áp lực giao thông
(Chinhphu.nv) - UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án bãi đỗ xe để giảm áp lực giao thông; đã đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư.
Sáng 11/12, HĐND TP. Hà Nội thực hiện tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Giao thông tĩnh thực tế mới đáp ứng 0,5%
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam, tổ huyện Phú Xuyên chất vấn, trong thời gian qua, vấn đề giao thông đô thị luôn được Thành phố quan tâm, chỉ đạo; sự vào cuộc các cấp chính quyền nên nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư đã hoàn thành và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại các vướng mắc trong quản lý. Đại biểu đề nghị lãnh đạo các sở, ngành cho biết tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan vấn đề này và tiến độ thực hiện trong các năm tiếp theo?
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tìm giải pháp phát triển, khai thác các bãi đỗ xe trên địa bàn.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, liên quan việc bổ sung cơ chế đầu tư bãi đỗ xe cao tầng và ngầm, trong Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nội dung liên quan thay thế Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, khai thác bến bãi đỗ xe và các phương tiện cơ giới.
UBND Thành phố hiện đang giao Sở GTVT xây dựng cơ chế, bởi trong cơ chế của Luật Thủ đô có đề cập tạo tiền đề thu hút đầu tư trên địa bàn. Sở Kế hoạch & Đầu tư đang nghiên cứu nội dung đấu giá quyền khai thác và tham mưu UBND TP thông qua việc sử dụng đầu tư công khai thác bãi đỗ xe ngầm.
Theo ông Lê Anh Quân, thời gian qua, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã bàn việc thống kê theo quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, đặc biệt các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô. Một số địa bàn (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) đang có ý kiến xem xét đưa vào hình thức đầu tư công, Sở đang bàn và xin hướng dẫn; dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.
Liên quan việc hướng dẫn các địa phương có nhu cầu dùng ngân sách địa phương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở GTVT sẽ có hướng dẫn sớm và báo cáo UBND Thành phố.
Trả lời thêm liên quan đến bãi đỗ xe, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho hay, toàn Thành phố có 1.690 điểm trông xe, theo quy hoạch diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng từ 3-4% nhưng thực tế mới đạt 0,5%. Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe liên quan đến ùn tắc giao thông và an ninh trật tự. Đầu tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã chủ trì cuộc họp với các ngành về vấn đề này và thông báo danh mục chỉ đạo công việc.
Theo Giám đốc Sở GTVT, mặc dù Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng vẫn khó khăn, do số vốn bỏ ra lớn mà nguồn thu thấp, nên khó thu hút đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. UBND TP đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án; trong đó đã đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, liên quan đến khu vực đỗ xe tạm, các kỳ họp trước, đại biểu HĐND TP đã chất vấn, nhưng đây là vấn đề liên quan đến Luật An toàn giao thông, Luật Đường bộ, Luật Thủ đô, tới đây Sở sẽ tham mưu, trình UBND Thành phố quy định 250 tuyến phố được phép trông xe với điều kiện bảo đảm không ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.
Đã triển khai bãi đỗ xe thông minh ở 17/30 quận, huyện
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giao thông thông minh (ITS), Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, HĐND TP vừa thông qua Đề án giao thông thông minh ở kỳ họp trước và hôm qua, UBND TP chính thức thông qua Đề án giao thông thông minh của Thủ đô. Trong đó chia làm 3 giai đoạn: 2025-2027 hình thành phát triển; 2027-2029 mở rộng phát triển; sau 2030 giai đoạn phát triển bền vững. Kèm theo từng giai đoạn đã giới hạn phạm vi hoàn thành.
Khi thực hiện đề án giao thông thông minh sẽ giúp giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội căn cơ hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, Hà Nội đã triển khai trên 360 bãi điểm đỗ xe 2 không (không tiền mặt, không dừng) và 1 có (có hóa đơn, biên lai). "Giai đoạn thí điểm đã triển khai ở 17/30 quận huyện, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 97,7%, đạt kết quả tốt, tạo thói quen không dùng tiền mặt, minh bạch, tiến tới bảo đảm trật tự an toàn mỹ quan đô thị. Chúng tôi mong muốn triển khai đầu năm 2025...", Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, đơn vị cũng đã nghiên cứu một số mô hình thí điểm tại một số quận, huyện về trông giữ phương tiện và thu tiền bằng hệ thống điện tử. Từ 1/7/2024, Luật giá 2023 có hiệu lực, căn cứ vào đó, Sở đã tham mưu cho UBND TP giao nhiệm vụ Sở GTVT đánh giá Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND để điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù, phù hợp với Luật giá 2023 và Luật Thủ đô 2024; sẽ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.
Liên quan đến vấn đề thu phí, giá, theo ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, dự kiến sẽ hoàn chỉnh tờ trình trong quý 1/2025.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức 7 phiên chất vấn về các nhóm vấn đề như: dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền, chuyển đổi số, kỷ luật, kỷ cương công vụ, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, giao thông, đô thị và nhiều nội dung quan trọng khác. Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được dư luận, cử tri quan tâm.
Gia Huy