Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế Thủ đô
(Chinhphu.vn) – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Kế hoạch “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025” vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành.
Ảnh minh họa |
UBND TP. Hà Nội đã phân công cụ thể cho các ngành để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình như: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7,0% - 7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Hoàn thiện các chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế
UBND Thành phố sẽ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch thực hiện Chương trình của UBND Thành phố tới hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp Nhân dân. Quán triệt việc thực hiện nội dung Chương trình, Kế hoạch thực hiện ở chính quyền các cấp, các Sở, Ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức KH&CN, các trường Đại học - Cao đẳng và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đảm bảo cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế.
UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; nhất là cơ chế quản lý, chính sách tài chính; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,... Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Hoàn thành xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
UBND TP. Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp phát triến công nghệ thông tin và truyền thông, hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới hình thành chính quyền số ở Thủ đô.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trên địa bàn trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của Thành phố.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một chủ thể nghiên cứu mạnh.
Hình thành và liên kết mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả tư nhân). Xây dựng một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhân lực trong các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ; phát triển nhân lực quản lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các cấp.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận với thông tin công nghệ trong nước và quốc tế, bao gồm thông tin về sáng chế, thông tin công nghệ, thông tin về tổ chức trung gian, các xu hướng thị trường...
Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ nguồn và chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp...
UBND TP. Hà Nội cũng sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài. Thúc đẩy việc ký kết, triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần huy động nguồn lực, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mới.
Nguyên Phương