Đẩy mạnh phát triển kinh tế số Thủ đô

26/11/2022 3:14 PM

(Chinhphu.vn) - Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, giá trị của kinh tế số toàn thành phố chiếm trên 40% GRDP, hiện TP. Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và cấp thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số Thủ đô - Ảnh 1.

Cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Ảnh: VGP

Kinh tế số - Xu thế phát triển tất yếu

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Đáng chú ý, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị "Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.

Mới đây, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là "Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động".

Tại Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, Hà Nội phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%; hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.

Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Hà Nội cũng đặt mục tiêu kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của TP. Hà Nội. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; Hà Nội là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước".

Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, triển khai các chủ trương, định hướng nêu trên, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động nguồn lực của toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố, nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã thống nhất 03 quan điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Thủ đô Hà Nội là việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô; Đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển đô thị đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu; Dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, phát huy lợi thế và tiềm năng con người, văn hóa và vị thế Thủ đô.

Những kết quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế số

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số Thủ đô - Ảnh 2.

Theo khảo sát của VCCI, 3/4 các doanh nghiệp đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP

Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Còn tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam" như Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; VNPT Hà Nội; Công ty Công nghệ DTT; Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas…

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: "Trong thời gian qua, các cơ quan của Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần vừa duy trì kênh bán hàng truyền thống, vừa phát triển thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh "online", nhưng nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, cần các hoạt động tập huấn, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị".

Vì vậy, từ đầu năm năm 2022 đến nay, HPA và các sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương, trao đổi thương mại giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành; tọa đàm "Chuyển đổi số công tác Quản trị Tài chính - Kế toán - Thuế tại Doanh nghiệp… Đặc biệt là triển khai hàng loạt các hội nghị tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại với các chủ đề về: phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số; giao dịch, đàm phán trong kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu; kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử, tiếp cận thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu; kinh doanh phát triển kênh phân phối hiện đại, bán hàng online và tổ chức mạng lưới bán lẻ…

"Thông qua các hội nghị tập huấn, các doanh nghiệp dần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã có các giải pháp đồng bộ để tiếp cận, sử dụng thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số...", Phó Giám đốc Trung tâm HPA chia sẻ.

Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới khám, chữa bệnh trực tuyến đã kết nối thêm 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng, miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương; nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10%, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và giảm tải cho hệ thống y tế. Theo Công an thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã cập nhật được trên 13,5 triệu thông tin tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Thành phố hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; gần 57.000 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số Thủ đô - Ảnh 3.

Trải nghiệm học STEM tại Khoa Vật lý – Trường ĐHSP Hà Nội 2. Ảnh: VGP

Ngoài ra, ở lĩnh vực giáo dục, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý giảng dạy và học tập đã giúp lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều khởi sắc, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt là quy mô giáo dục được mở rộng đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Giảng dạy và trao đổi bằng hình thức trực tuyến đã nâng cao sự tương tác giữa người dạy và người học, trở thành hoạt động cần thiết, mang lại nhiều sự thuận tiện, như giảm thời gian đi lại, tra cứu tài liệu, tăng khả năng tự học, tự đọc...

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, qua việc áp dụng công nghệ số vào giảng dạy thời gian qua, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dạy và người học đều được nâng cao - đây là tín hiệu tốt, bảo đảm nguồn nhân lực tương lai sẽ nắm được công nghệ hiện đại, Từ nền tảng này, nền kinh tế số của Thủ đô cũng như cả nước sẽ càng được phát triển và hội nhập nhanh hơn với thế giới.

Minh Anh

Top