Đẩy mạnh sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng thực phẩm tiêu dùng

20/03/2023 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất an toàn, liên kết theo chuỗi, Hà Nội cũng đẩy mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng thực phẩm tiêu dùng - Ảnh 1.

Trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới (tại huyện Thường Tín). Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Điển hình, hiện nay tại huyện Chương Mỹ có nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi, trong đó có một số mô hình tiêu biểu như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú; chuỗi sản xuất – tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến…

Huyện có lợi thế sở hữu nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn nên được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 94 hợp tác xã; 559 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp… Vì vậy, huyện đã có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, có thương hiệu trên thị trường. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu. Hiện Thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang thường xuyên kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như tìm nguyên nhân các mẫu vi phạm. Từ đó có những giải pháp khắc phục và xử phạt tủy từng mức độ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các chi cục thuộc Sở chủ động trong công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm; trong đó, ưu tiên sản phẩm rau, thịt và thủy sản. Việc lấy mẫu, giám sát an toàn nông sản, thực phẩm sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng như nhận thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất, chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ. Khuyến khích áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn. Duy trì, phát triển thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông nghiệp.

Thiện Tâm

Top