Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

18/09/2022 8:40 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm hơn 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Với kết quả này, Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi.

Nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước và cũng là trung tâm chăn nuôi bởi chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Hiện ngành chăn nuôi có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế trong ngành nông nghiệp những năm qua, đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và bất ổn chính trị trên thế giới. Ngành chăn nuôi những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong vấn đề đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Hiện trên địa bàn thành phố có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, với 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190.608 hộ chăn nuôi.

Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tốc độ đô thị hóa nhanh…; song ngành nông nghiệp Thành phố vẫn đạt ở mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53% đảm bảo mục tiêu đề ra; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 38.093 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hà Nội hiện đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuât nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản như: Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội... đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở, số Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 122 Hợp tác xã, trong đó có 3 Hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 2,5% số Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm. Nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường chăn nuôi, giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm như: Sử dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động; công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính; xử lý môi trường bằng công nghệ các công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…) trong chăn nuôi.

Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống. Hiện toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa… Trong liên kết sản xuất chuỗi đã hoàn thiện 31 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giết mổ tiêu thụ sản phẩm. Trong quản lý dịch bệnh các trang trại chăn nuôi có quy trình chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng vaccine định kỳ theo quy định, định kỳ khử trùng chuồng trại, lấy mẫu kiểm tra kháng thể. Có 498 trang trại được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; có 42 trang trại chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGap. Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội thời gian qua là sản xuất con giống. Nhờ đó, đã có 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại; 100% trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao. Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản, như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus... tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa đã đạt 100 %, bò thịt đạt trên 80 %; một số trại đã áp dụng sử dụng tinh phân ly giới tính giống HF thuần chủng, cấy truyền phôi, có 02 cơ sở sản xuất tinh đông lạnh trâu, bò… Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi của Hà Nội có những bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhìn chung các mô hình sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn thành phố tuy quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của Thành phố.

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi hiện chưa đồng bộ, toàn phần mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sở chế, chế biến. Do đó việc chứng nhận mô hình công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Khi xây dựng trang trại công nghệ cao còn thiếu những công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất như ở các nước tiên tiến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Bên cạnh đó là những hạn chế trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa, lập hồ sơ hỗ trợ các vùng, đối tượng thực hiện sản xuất công nghệ cao; Việc tích tụ ruộng đất gặp khó khăn vì ruộng đất quỹ 1 đã giao cho nhân dân.

Chăn nuôi công nghệ cao còn gặp khó khăn về vốn sử dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống; quỹ đất hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án công nghệ cao ở Hà Nội cao hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận. Khi xây dựng trang trại công nghệ cao còn thiếu những công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất như ở các nước tiến tiến.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghệ cao, Hà Nội cần rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố. Xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế; đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Có kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao. Thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp.

Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp như: Ngành chế tạo náy nông nghiệp, ngành hóa chất nông nghiệp, ngành sinh học, ngành sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, thiết bị giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến gia súc, gia cầm.

Thiện Tâm

Top