Đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

30/07/2022 7:12 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang thực hiện đẩy nhanh các thủ tục đầu tư với trọng tâm là: Phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu…, cùng với đó là tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Thành phố tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công - Ảnh: VGP

Giải phóng mặt bằng là khó khăn lớn trong giải ngân vốn đầu tư công

Đến hết tháng 6/2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch được giao.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp Thành phố đạt 18,3% kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố đạt 16,5%); tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp huyện đạt 23,4%.

Công tác triển khai thủ tục đầu tư các dự án được Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) Hồ Vân Nga cho biết là rất chậm. Hết 6 tháng mới có 6 dự án phê duyệt trong số 68 dự án được HĐND Thành phố thông qua chủ trương; 9 dự án mới được phê duyệt chủ trương trong số 33 dự án được giao nhiệm vụ.

Về phía cấp huyện, trong kỳ họp HĐND vào đầu tháng 7/2022, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, yếu nhất là khâu giải phóng mặt bằng, trong đó xác định nguồn gốc đất. Trong đó, đã qua nhiều năm nhưng nhiều hồ sơ quản lý đất từ những năm 1980 đến 1990 chưa được chuẩn hóa, nhiều trường hợp khó xác định.

Còn theo Bí thư huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như: Quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB)... Do đó, Thành phố cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phục vụ việc phát triển chung.

Chỉ rõ nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong báo cáo giải trình với HĐND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chỉ rõ 4 nhóm tồn tại và nguyên nhân: Tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm; tồn tại, khó khăn và nguyên nhân mang tính đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2022; tồn tại, khó khăn đặc thù về giải ngân đầu tư công của các tháng đầu năm; kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công.

Trong đó, UBND TP. Hà Nội thừa nhận, khó khăn trong công tác GPMB là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải trong việc thực hiện các dự án.

Trong số 140 dự án cấp Thành phố đã được giao kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm, có tới 63 dự án các đơn vị báo cáo là khó khăn trong công tác GPMB, trong đó 56 dự án giao thông; lĩnh vực giao thông là lĩnh vực có tỷ trọng kế hoạch vốn lớn, là 9.249 tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng số kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án).

Đối với dự án cấp huyện, các quận, huyện, thị xã cũng báo cáo khó khăn trong công tác GPMB. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, có trường hợp khiếu kiện... làm chậm quá trình thi công, giải ngân vốn.

Đối với các dự án ODA, do các nguyên nhân tồn tại từ các năm trước nên các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn hiệp định vay.

Bên cạnh đó, do giá nguyên vật liệu biến động liên tục và tăng cao, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp Thành phố và các dự án cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, dẫn đến chậm hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; chậm có dự án đủ điều kiện bố trí vốn năm 2022, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.

Giải trình về các dự án mới chậm khởi công, UBND Thành phố cho biết, do nhiều dự án phải thực hiện thiết kế 2 bước. Trong các tháng đầu năm chủ yếu tập trung lựa chọn đơn vị thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thanh toán.

Ngoài nguyên nhân khách quan, Hà Nội cũng thẳng thắn nêu có sự thiếu quyết liệt của một số chủ đầu tư và một số đơn vị thực hiện công tác liên quan đến GPMB. Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các quận, huyện, nhà thầu chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thi công, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đã giao....

Rà soát quy trình, không chỉ dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở

Trước tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đạt tỷ lệ thấp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đã yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất.

Yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội đặt ra là Thành phố phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022.

Theo đó, kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) Hồ Vân Nga, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ do một đơn vị, do chủ đầu tư mà do cả một quá trình tổ chức hiện dự án từ thủ tục đến khi thi công.

Do đó, bà Hồ Vân Nga cho rằng Thành phố cần rà soát quy trình chỉ đạo điều hành, quy trình vận hành và giải ngân, không chỉ dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở. Thành phố cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là công trình đã xác định mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, để thúc đẩy thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2022, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, thực hiện đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, trọng tâm là: Phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu...

Các dự án mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư thì phải khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn và khởi công công trình, tạo dư địa cho việc hấp thụ vốn.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Với đặc thù thời điểm giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập tổng mức đầu tư, dự toán để trình phê duyệt quyết định dự án; ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều chỉnh giá các gói thầu của các dự án đang triển khai thực hiện, do vậy, UBND Thành phố chỉ đạo các sở chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần khẩn trương tham mưu các nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ.

Các chủ đầu tư cũng chủ động rà soát, tính toán, nhanh chóng hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu.

Ngoài ra, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Qua rà soát, phần lớn các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng (về xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, chưa đồng thuận hoặc khiếu kiện với phương án bồi thường,...). Trong đó, có nội dung thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện, cấp xã, có nội dung thuộc thẩm quyền của cấp Thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB; tổng hợp, tham mưu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị về công tác GPMB.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất, tham mưu UBND Thành phố các quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nội dung phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo điều kiện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đối với từng dự án về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác liên quan đến chính quyền địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của Thành phố là quận Ba Đình (63,1%), quận Long Biên (56,5%), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố (37,1%)… Tuy nhiên, 24 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của thành phố là huyện Thạch Thất (8,1%), Sở NN&PTNT (2,9%). Có 4 đơn vị đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Đài PT&TH Hà Nội, Cục Hậu cần (Bộ Công an).

Gia Huy


Top