Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải
(Chinhphu.vn) - Các dự án đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa nhanh của Hà Nội, Đoàn Giám sát HĐND TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư thoát nước và xử lý nước thải đúng tiến độ.
Sáng 30/8/2022, đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng và huyện Thanh Trì về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
Dự án đầu thoát nước, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa
Tại Sở Xây dựng, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công, về xử lý nước thải, Thành phố đã có 5 dự án đã đầu tư: Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì; nhà máy xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch; nhà máy xử lý nước thải Bảy Mẫu; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây.
Các dự án xử lý nước thải đang triển khai gồm: Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngđ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Dự án bao gồm 4 gói thầu chính: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngđ; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, phục vụ cho lưu vực S2.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Về thoát nước, Thành phố đã xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở công suất 90m3/s; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương, cống tại khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì) giải quyết cơ bản được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 310mm/2ngày.
Về công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, hiện nay, toàn bộ công tác quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thoát nước đô thị và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu gồm 14 gói thầu giai đoạn 2019 - 2024, trong đó có 9 gói thầu duy trì thoát nước và 5 gói thầu quản lý, vận hành xử lý nước thải.
Theo Sở Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, các dự án đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa nhanh của Hà Nội. Nhiều dự án thiếu đồng bộ giữa mạng lưới và hệ thống đấu nối gây lãng phí và hiệu quả không cao.
Đặc biệt, hệ thống thoát nước thành phố hiện nay được đầu tư hoàn chỉnh tại lưu vực Tô Lịch thuộc nội thành Hà Nội. Do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, kéo theo những trận mưa lớn không theo quy luật vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, việc ngập nước tại khu vực trũng thấp là không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, việc đầu tư xã hội hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Đến nay, các dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đưa vào danh mục đề xuất kêu gọi xã hội hóa đều chưa có nhà đầu tư tham gia.
Sở Xây dựng cho rằng, giải pháp chủ yếu là cần tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
Tại Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch HĐND Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã giải quyết, thoát gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thoát nước như: Nghiệm thu, thanh quyết toán; hướng dẫn quy trình thực hiện theo phân cấp.
Bên cạnh đó, Sở cũng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đảm bảo kế hoạch, chất lượng và tiến độ; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan sớm hoàn thiện, trình UBND thành phố phê duyệt giá dịch vụ thoát nước.
Rà soát lại quy hoạch thoát nước để điều chỉnh phù hợp với thực tế
Tại huyện Thanh Trì, hiện nay trên địa bàn huyện có 59 hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung của các đơn vị đã được UBND thành phố cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, với khả năng xử lý nước thải đạt 9.385m3/ngày đêm. Thành phố cũng đang đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, dự kiến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động để xử lý nước thải đô thị của huyện Thanh Trì và các quận, huyện lân cận.
Ngoài ra, theo quy hoạch, trên địa bàn huyện sẽ được triển khai 3 dự án xử lý nước thải nhưng đến thời điểm này chưa xây dựng.
Tại buổi làm việc, huyện Thanh Trì kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mức giá thu phí xử lý nước thải đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp để Ban Quản lý dự án đảm bảo nguồn trong công tác duy trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Đồng thời đề xuất Thành phố đặt hàng các đề tài khoa học xử lý nước thải ngay tại hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề truyền thống, như vậy người dân có thể ứng dụng được và chi phí sẽ thấp hơn so với đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với Trạm xử lý nước thải công nghiệp tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều đã xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại, huyện đề xuất Thành phố quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc cho phép đấu nối nguồn nước thải của Cụm công nghiệp vào Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (do nằm liền kề) để xử lý theo quy định.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn nêu vấn đề khi huyện tiến hành cải tạo, xây dựng, đầu tư các dự án mới thì phải tính toán ngay đến việc tách riêng hệ thống nước mưa, nước thải, có hệ thống thu gom và phải xác định rõ trong lộ trình huyện đang phấn đấu lên quận vào năm 2025. Đồng thời tham mưu Thành phố để xử lý đối với những trạm không hoạt động, xuống cấp hoặc hoạt động không hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, huyện đã chú trọng triển khai các nhiệm vụ trong thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải và đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đầu tư xử lý nước thải.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị, trong tình hình Thành phố đang rà soát quy hoạch chung, huyện cần phối hợp với các sở ngành rà soát lại quy hoạch thoát nước để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đảm bảo khớp nối, đồng bộ trong điều kiện huyện đang trong lộ trình lên quận, đặc biệt với vấn đề xử lý nước thải.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị huyện rà soát lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, bổ sung đề xuất phân cấp với tinh thần là tăng cường trách nhiệm cho địa phương.
Gia Huy