Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm

16/04/2022 7:12 AM

(Chinhphu.vn) - Dự kiến năm 2022, Hà Nội sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình giao thông trọng điểm như hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… góp phần tăng năng lực hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan đô thị.

Nâng tầm vị thế và sự phát triển toàn diện cho Thủ đô

Về dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án được triển khai nhằm giải quyết xung đột giao thông tại nút giao theo hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại nút giao và giảm ô nhiễm môi trường. 

Dự án được khởi công tháng 10/2020 có tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng với tổng chiều dài 475 m; trong đó, hầm kín là 95 m, hầm hở và gờ chắn dài 380 m (mỗi bên dài 190 m); mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Hồ Đức Phúc - Giám đốc điều hành dự án hầm chui Lê Văn Lương, đến thời điểm hiện tại, những hạng mục khó khăn nhất như đào đất, khung chống, di dời các công trình hầm nổi… đã hoàn thành 100%, mặt bằng của dự án đã được bàn giao đầy đủ cho các nhà thầu. Nhà thầu đang tiến hành thi công phần kết cấu ở giai đoạn 2 và bắt đầu đổ bê tông bệ móng hầm kín – hạng mục chính của dự án. "Dự kiến tháng 10/2022, sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn bộ hầm chui Lê Văn Lương. Để có thể kịp tiến độ đã đề ra, đơn vị thi công huy động 3 mũi thi công riêng biệt với khoảng 120 công nhân, hàng trăm máy móc thiết bị chia ca thi công liên tục 24 giờ/ngày" - ông Hồ Đức Phúc thông tin thêm.

Đối với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 43% khối lượng công việc; trong đó, 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. Ông Đỗ Đức Long - Tư vấn giám sát dự án cho biết: "Dự án tháo dỡ 2 nhịp cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chúng tôi thực hiện phá dỡ từ ngày 26/3 đến 30/4. Giai đoạn 2 chúng tôi thực hiện thi công phần trên từ trụ T17HLA đến trụ T18HL, thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2. Hiện nay, dự án đã thi công được toàn bộ phân trụ chính, đặc biệt các trụ trên sông khó nhất đều đã hoàn thành".

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 3.

Công trình giao thông trọng điểm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được gấp rút thi công. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng theo ông Nguyễn Chí Cường, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, đồng thời giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.

Trong khi đó, dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được khởi công từ tháng 4/2018, với tổng mức đầu tư 9,4 nghìn tỷ đồng và tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 5 km. Hiện tại đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã hoàn thành, thông xe đi vào vận hành. Đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang được chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng cam kết. Đến nay, tiến độ gói thầu đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Chợ Mơ đã hoàn thành trên 90% khối lượng, công việc còn lại như lắp đặt lan can, tường chống ồn... đang được tập trung thực hiện để hoàn thành trước ngày 20/4/2022. Hiện toàn bộ phần dưới của gói thầu từ Chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 4.

Hiện nhịp dầm cao và dài nhất của tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hợp long. Ảnh: VGP/Minh Anh

"Trước đó, Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể: đưa vào sử dụng 51 dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); triển khai phương án tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A - Cát Linh - Hà Đông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân" - Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho thành phố Hà Nội là 51.582,9 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đã hoàn thành công tác nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đảm bảo giải ngân kịp thời cho các dự án đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, giá nguyên vật liệu xây dựng và chi phí nhân công tăng cao, trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ ở một số công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trình xây dựng của doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 5.

Công nhân của nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án cầu vòm sắt hồ Linh Đàm (nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao) để bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh: VGP/Minh Anh

Điển hình như Dự án cầu cạn Vành đai 3 đi thấp bắc qua hồ Linh Đàm đã được hoàn thành và đi vào sử dụng từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, hạng mục bổ sung cầu vòm thép vẫn đang trong quá trình thi công. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc điều hành dự án cầu vòm thép bắc qua hồ Linh Đàm, ông Hoàng Đình Hiếu chia sẻ, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công tác huy động nhân sự thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp bị F0, F1 bị cách ly y tế. Việc nhập khẩu nguyên vật liệu để xây dựng công trình cũng rơi vào tình trạng khó khăn do biến động tăng giá vật liệu, thép... Theo ông Hoàng Đình Hiếu, sau khi kiểm tra, nghiên cứu, Sở GTVT TP Hà Nội đã phê duyệt phương án điều chỉnh. Ngay sau khi được phê duyệt phương án, đơn vị thi công huy động nhân lực, máy móc triển khai thi công theo thiết kế mới. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong quý II/2022.

Cũng nằm trong danh mục những công trình đang bị chậm tiến độ, dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình, Tây Hồ.  Tuy nhiên, đại diện đơn vị thi công, ông Phạm Đức Hưng chia sẻ, đây là công trình nằm trên bề mặt đê hữu Hồng nên thời gian thi công trong năm bị hạn chế vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến việc huy động máy móc, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Huy Sĩ - Phòng Giám sát 1 Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết: Việc điều chỉnh phương án thiết kế đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, ngay sau khi được TP Hà Nội chấp thuận, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội tích cực phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thi công để trình Bộ NN&PTNT xin cấp phép thi công đoạn số 3. Dự kiến, công trình sẽ tiếp tục được thi công trong tháng 4 và sớm hoàn thiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân".

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng bề bởi dịch COVID-19. Vì vậy, thành phố yêu cầu trong thời gian tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện các dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát kỹ, tập trung hoàn thành nhanh, gọn từng dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình; hoàn thành các công việc còn tồn đọng, thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán dự án theo quy định; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới.

Thành phố cũng yêu cầu từng chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của từng dự án; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Trên thực tế, việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng với phát triển của Thủ đô. Do đó, với sự vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ của các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, có thể tin tưởng tiến độ các dự án trọng điểm các cấp của thành phố sẽ bảo đảm kế hoạch đã đề ra, đi vào vận hành hiệu quả.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội có 39 công trình trọng điểm. Trong đó, dự án chuyển tiếp hoàn thành là 9 dự án với tổng mức đầu tư là 71.066 tỉ đồng; 8 dự án mới dự kiến hoàn thành với tổng mức đầu tư dự kiến là 13.827 tỉ đồng và 22 dự án triển khai thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 276.087 tỉ đồng.

Minh Anh

Top