Để chợ truyền thống tồn tại và phát triển

05/11/2018 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Chợ truyền thống thường được gọi là chợ dân sinh, nơi đây là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống và đồ dùng dân dụng, đã quen thuộc cho nhiều thế hệ người Việt. Chợ truyền thống có những đặc trưng riêng mà các trung tâm thương mại không thể thay thế được. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Vậy cần làm gì để chợ truyền thống tồn tại và phát triển?

Hà Nội hiện có rất nhiều chợ dân sinh, tuy nhiên hầu hết số chợ đó đang nằm trong tình trạng sập sệ, không được quan tâm đầu tư. Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, hiện có khoảng 60 chợ thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn Thành phố. Trong đó, khảo sát của tổ chức HealthBridge (Canada), số người dân thích mua sắm ở cả chợ dân sinh và siêu thị lên đến 70%. Một trong những lý do khiến người tiêu dùng thích mua sắm ở chợ truyền thống được thống kê là do họ thích mua sản phẩm tươi ngon, giá cả thấp và tiện lợi.

Chia sẻ với phóng viên, anh Đỗ Xuân Ngà ở Khu đô thị Mê Linh (Hà Nội), là người rất ít khi đến siêu thị hay trung tâm thương mại mua sắm. Thông thường hằng tuần, anh đến chợ phiên ở chợ Hạ để mua thực phẩm cho cả tuần. “Giá cả ở chợ này rẻ hơn ở khu đô thị. Con gà trống có cựa tôi chỉ mua có 75.000 đồng/kg, còn bán tại các chỗ khác phải 100.000 đồng/kg”, anh Ngà so sánh. Đồng thời mong muốn, những chợ dân sinh như thế này cần được cải tạo để chợ ngày càng sạch sẽ, giúp cho người dân mua sắm hàng hóa được thuận tiện hơn.

Với tốc độ đô thị hoá chóng mặt, Hà Nội đã phá bỏ nhiều chợ để xây trung tâm thương mại với mục tiêu muốn Hà Nội cũng hiện đại như các nước phát triển. Các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị. Tuy nhiên, những khu chợ nổi tiếng sầm uất ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ 19/12… từ khi được chuyển đổi thành các trung tâm thương mại thì trở nên vắng khách.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân các trung tâm thương mại èo uột là do cách xây dựng nâng cấp chợ truyền thống thành chợ - trung tâm thương mại đã làm thay đổi chủ thể của các khu thương mại, tức là tiểu thương không còn đóng vai trò chủ chốt trong chợ. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại thường không lấy mục tiêu thương mại làm mục tiêu chính mà lợi dụng các khu đất vàng để xây dựng rồi cho thuê văn phòng, cửa hàng… mục đích kinh doanh thu hồi vốn. Sự chuyển đổi này không đem lại hiệu quả như mong muốn mà còn làm mất đi bức tranh văn hoá sinh hoạt của người dân nơi đó.

Theo ông Steve Davies (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về việc phát triển chợ cho biết, với sự đa dạng và phong phú các dịch vụ như ở chợ dân sinh tại Hà Nội, thì chợ hoàn toàn có thể cạnh tranh được với siêu thị trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng cần phải cải tạo lại.

Cải tạo chợ cần chú ý đến nhu cầu và chức năng

Ông Steve Davies chia sẻ, ông đã đến thăm chợ Hàng Da, là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại và thật ngạc nhiên là chợ vẫn còn mở. Các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa nhưng điều đó không có nghĩa là phải bị biến thành các trung tâm thương mại hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại. “Trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc”, ông Steve Davies nhấn mạnh.

Đề cập đến câu chuyện làm sao để cải tạo các chợ truyền thống ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ông Steve Davies cho rằng trước tiên cần phải cải tạo lại những vòm mái chợ để bảo vệ người bán và người mua trước điều kiện thời tiết. Tiếp đến là cải tạo lại sàn chợ để sạch sẽ hơn, những quầy hàng có nhiều chức năng hơn cho người bán và cơ sở hạ tầng có tiện ích tốt hơn.

Qua khảo sát cho thấy mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại đã không hiệu quả, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu không làm kết hợp nữa. Tuy vậy, theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những chợ được giữ lại cũng đang đứng trước thách thức không biết là nên hiện đại hóa bằng cách nào hay vẫn để sập sệ như hiện tại, trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hằng ngày, chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao. Một mô hình mới đang là câu hỏi khó cho những người hoạch định chính sách, những nhà thiết kế vốn chưa được nghiên cứu bài bản.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, việc cải tạo chợ cũng cần những cách tiếp cận có tính nhân văn, chú ý thật sâu sát đến nhu cầu mua bán của người dân cũng như sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu hay các kiến trúc sư thì có thể cải thiện được không gian chợ với chi phí thấp mà vẫn duy trì được hoạt động. Có thể nâng cấp chợ từng bước một, chuyển đổi mô hình thương mại phù hợp với những điều kiện kinh doanh cũng như sản xuất sinh hoạt của người dân.

Thành Nam

Top