Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào thực chất

12/03/2024 1:15 PM

(Chinhphu.vn) - Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng.

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào thực chất- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vẫn còn những hạn chế, bất cập

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực hiện được hơn 10 năm nay. Trong quá trình phát triển, Luật đã có những tác dụng tích cực, 8 quyền của người tiêu dùng ngày càng được toàn xã hội quan tâm hơn. Luật ngày càng được thực thi hiệu quả và sâu rộng hơn trong đời sống kinh tế-xã hội. Trong đó, quyền lợi của người tiêu dùng đã được coi trọng, nhiều vụ việc vi phạm đã được xem xét và xử lí, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công tác này đã được quan tâm và coi trọng, các đơn vị đã đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm tạo niềm tin cho khách hàng bằng chất lượng và giá cả hợp lý.

Đối với người tiêu dùng, một khi vị thế đã được nâng lên, trên cơ sở nắm vững các quyền của mình, họ yên tâm mua bán hàng hoá và sử dụng dịch vụ trên thị trường; lựa chọn những địa chỉ đáng tin cậy để gửi niềm tin thực sự của mình với những thương hiệu đã có chỗ đứng lâu dài trên thị trường nội địa. Các lực lượng thực thi pháp luật như quản lý thị trường, y tế, khoa học công nghệ, công an kinh tế,… từng bước làm tròn nhiệm vụ của mình ở từng địa bàn được phân công.

Tuy nhiên, nghiêm túc mà đánh giá, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong xã hội còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, những hiện tượng buôn bán hàng hóa, thực hiện dịch vụ còn có những khiếm khuyết vi phạm đến quyền của người tiêu dùng; trong một xã hội ngày càng phát triển và hiện đại văn minh hơn, quy mô về sức mua xã hội đã có nhiều thay đổi so với nhiều năm trước đây, mua bán ngày nay không chỉ là trực tiếp mà còn mua bán trên mạng thông qua các nền tàng số được thiết lập.

Bên cạnh đó, còn nhiều sơ hở trong công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, trách nhiệm đến cùng của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sản xuất với người tiêu dùng còn khiếm khuyết một khi có những khiếu nại…

Trong khi đó, các Luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những nội dung còn chồng chéo, hiệu lực thi hành chưa được cụ thể, dễ nhầm lẫn trong quá trình thực hiện và dễ bị lợi dụng…

Quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm chặt chẽ hơn

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào thực chất- Ảnh 2.

Người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20-6-2023, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với nhiều quy định đã được hoàn thiện, bổ sung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung đánh giá, các quy định pháp lý trong luật lần này đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Do đó, khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ.

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

"Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc", ông Vũ Văn Trung nói.

Triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố phối hợp Bộ Công thương (cơ quan chủ trì) trong việc xây dựng, biên soạn tài liệu hội nghị phổ biến, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đơn vị tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan đối với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của HĐND, UBND với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Về việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…, Thành phố cũng đã giao Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố phối hợp với Bộ Công thương, rà soát, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 1157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo về quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.

Các đơn vị tổ chức xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;…

Có thể thấy, với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắc chắn bức tranh xã hội về bảo vệ người tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Diệu Anh

Top