Để đô thị Hà Nội phát triển bền vững, văn minh, hiện đại

20/01/2023 4:27 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Hà Nội rất cần hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển đô thị bền vững…

Để đô thị Hà Nội phát triển bền vững, văn minh, hiện đại - Ảnh 1.

Công tác quy hoạch Thủ đô phải theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững

Bức tranh quy hoạch đô thị hiện nay

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế trên toàn bộ địa giới hành chính của TP. Hà Nội được nhìn nhận là khu vực kinh tế đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế khu vực đô thị Hà Nội có sự phát triển khá nhanh và vững chắc, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế Thủ đô.

Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Nội, mặc dù tốc độ đô thị hóa đã đạt được một số mục tiêu, nhưng việc phát triển nhanh và chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung… Việc quản lý đầu tư phát triển đô thị của thành phố còn những khó khăn, vướng mắc; trong đó, phải kể đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt phần lớn các quy hoạch còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra.

Thêm vào đó, quy trình triển khai các quy hoạch cấp dưới phải cụ thể hóa nhiều nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt; trong đó có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, mất nhiều thời gian thống nhất, nhất là quy trình lấy ý kiến địa phương, cộng đồng dân cư và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, Hà Nội liên tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống đô thị. Tuy nhiên, do điều kiện sáp nhập ranh giới hành chính năm 2008 và định hướng quy hoạch Thủ đô nên đòi hỏi cần có sự xác định lại ranh giới hành chính đô thị của một số địa phương, tạo điều kiện để có đơn vị hành chính quản lý các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách thì tại Hà Nội cũng có những nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, làm "ngáng trở" quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng mặc dù chỉ chiếm 12,7% diện tích nhưng thu ngân sách của 12 quận và thị xã Sơn Tây chiếm 41% tổng thu ngân sách toàn TP. Hà Nội. Khu vực đô thị cũng là nơi đóng trụ sở của 80% doanh nghiệp; tạo ra hàng trăm nghìn việc làm; đồng thời góp phần lớn vào việc tiêu thụ lương thực từ ngoại thành... Tuy nhiên, có thể đánh giá, kinh tế khu vực đô thị Hà Nội vẫn chưa tạo thành mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển vượt trội.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phân tích, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xem xét toàn diện đến mọi yếu tố để phát triển các lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế khu vực đô thị. Ngoài đô thị trung tâm, thành phố được quy hoạch để hình thành 5 đô thị vệ tinh, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục, là những ngành quan trọng để phát triển kinh tế khu vực đô thị. Tuy nhiên, nhiều định hướng lớn của quy hoạch chưa thực hiện được trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch khiến kinh tế khu vực đô thị Hà Nội chưa phát huy được những lợi thế của Thủ đô.

"Việc triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế của Thủ đô để phát triển kinh tế khu vực đô thị chưa hiệu quả. Ví dụ điển hình là khu vực trung tâm thành phố rất thiếu không gian công cộng, chưa có nhiều những khu đất dành cho các loại hình kinh tế khai thác lợi thế văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hà Nội...", ông Lưu Quang Huy nhận định.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai. Trong đó, khoảng 98 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khoảng 168 dự án chưa hoàn thành. Các khu đô thị mới, khu nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố, giải quyết được phần lớn nhu cầu về nhà ở cho người dân Hà Nội.

Tuy vậy, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực. Nguyên nhân là phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác; hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng.

Việc chưa đồng bộ khớp nối đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra, như khu vực Lê Trọng Tấn, Hòa Lạc... Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật, gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiến nghị của người mua căn hộ lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, một số dự án khu đô thị, khu nhà ở hệ thống hạ tầng xã hội được xã hội hóa về đầu tư (các trường học, công viên được giao cho các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng và khai thác). Việc xã hội hóa đầu tư với mục đích huy động tốt nguồn lực của xã hội, giảm nguồn vốn ngân sách Thành phố hiện còn khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đô thị để sớm hiện thực hoá những mục tiêu

Là đô thị giữ vị trí và trọng trách đặc biệt của cả nước, Hà Nội có trách nhiệm lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế khu vực đô thị. Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều chỉ tiêu cao về tốc độ đô thị hoá, hạ tầng đô thị, quy hoạch xây dựng, giao thông… Để thực hiện được những mục tiêu này, Thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, kỳ vọng tạo ra những bước phát triển đột phá theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, mang lại sự thay đổi vượt bậc, trong đó có việc lập và triển khai quy hoạch.

Để đô thị Hà Nội phát triển bền vững, văn minh, hiện đại - Ảnh 2.

Năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm là điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn mới đây đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần chủ động tham mưu UBND Thành phố và thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác quy hoạch theo nhiệm vụ được giao tại các Chương trình của Thành ủy, Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Chính phủ, các kế hoạch của Bộ Xây dựng; nghị quyết của HĐND Thành phố; Chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ UBND Thành phố giao; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố;

Trọng tâm là Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thống nhất đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, cần khẩn trương nghiên cứu, tham mưu mô hình quy hoạch các Thành phố thuộc Thủ đô, quy hoạch phát triển đô thị hai bên tuyến đường Vành Đai 4 Vùng Thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn Thành phố; rà soát quy hoạch đối với các huyện phát triển lên thành quận đảm bảo các chỉ tiêu, điều kiện phát triển phù hợp; phối hợp rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư chậm triển khai;

Lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch liên quan chỉnh trang, tái thiết đô thị: Trọng tâm là quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các đồ án thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết các khu vực không gian chức năng, hạ tầng quan trọng của Thành phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, công trình văn hóa, công cộng; triển khai lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị, lập các quy chế, quy định quản lý quy hoạch và kiến trúc có liên quan;…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, để việc quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn.

Được biết, Thành phố Hà Nội cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở Bộ, ngành Trung ương và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, TP. Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, điều chỉnh việc xây dựng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; xây dựng quy hoạch vùng huyện.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 là điều kiện thuận lợi để phát huy yếu tố kinh tế khu vực đô thị trong quy hoạch là một trong các mục tiêu của đề án quy hoạch, hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững, tạo lập diện mạo Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, song hành với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân.

Cũng từ góc nhìn quy hoạch, theo Kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện quy hoạch Hà Nội, trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngoài việc nhìn nhận các yếu tố mới, còn cần xem xét xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế khu vực đô thị, đồng thời xây dựng cơ chế, quy trình, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội, căn cứ chỉ đạo của thành phố, Trung ương, Sở đang hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện rà soát quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, những nội dung không còn phù hợp, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp, bảo đảm đầy đủ, chính xác, thực chất, hiệu quả, tránh cách làm đại khái, chung chung, không rõ nội dung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Đến năm 2025, TP. Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đạt tối thiểu 60%, đến năm 2030 dự kiến đạt trên 65%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 - 36% %. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố, hệ thống các quy chế quản lý kiến trúc. Hoàn thành các quy hoạch có liên quan phát triển các huyện thành quận theo Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Minh Anh

Top