Để giá thực phẩm luôn ổn định, tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’

17/07/2024 12:11 PM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn nửa tháng kể từ kỳ tăng lương ngày 1/7, hiện giá cả hàng hoá, thực phẩm trên địa bàn Thủ đô vẫn tương đối ổn định so với cùng kỳ tháng trước.

Để giá thực phẩm luôn ổn định, tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’- Ảnh 1.

Mặt hàng rau xanh vẫn ở mức ổn định so với tháng trước. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Người dân lo lắng giá tăng

Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, cụ thể là từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%. Nhiều người dân cho rằng việc tăng lương cơ sở sẽ khiến thị trường "té nước theo mưa," giá hàng hoá tăng theo.

Chị Ngọc Lan (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng khi lương tăng, cuộc sống gia đình sẽ thêm khó khăn khi giá cả hàng hóa sẽ tăng theo. "Hiện mỗi lần đi chợ, mức tiêu hằng ngày cho cả nhà đã tăng lên đáng kể. Ngay sau thời điểm COVID-19, giá rau thịt đều lập một mức giá mới như thịt lợn trung bình 130-150 nghìn đồng/kg, thay vì 80-90 nghìn đồng/kg vào 2 năm trước…", chi Ngọc Lan bộc bạch.

Với mặt bằng giá mới, chị Ngọc Lan lo lần tăng lương mới này hàng hóa sẽ tiếp tục kéo nhau tăng. Lo lắng của chị Lan cũng là nỗi niềm chung của nhiều người dân.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 17/7 tại một số chợ truyền thống, dân sinh trên địa bàn Thủ đô cho thấy giá cả thực phẩm, hàng hoá thiết yếu tương đối ổn định, chỉ có mặt hàng thịt lơn tăng nhỉnh hơn chút.

Với mặt hàng rau xanh, giá hầu như không tăng, thậm chí có loại còn giảm hơn so với tháng trước. Cụ thể, cà chua từ giá 25.000 đồng/kg tháng trước nay chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg; bắp cải giảm từ 18.000 đồng/kg còn 15.000 đồng/kg; bí đỏ 8.000-10.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 9.000 đồng/kg, hành tây 11.000-12.500 đồng/kg; mùng tơi giá 6.000-7.000 đồng/mớ…

Chị Hà Thu Thảo, một tiểu thương bán rau ở chợ Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, thời tiết ổn định nên giá rau xanh đã ổn định nhiều hơn so với đợt ra Tết và tháng trước. Giá nhiều loại còn giảm vì sản lượng tốt. "Đợt này, rau mùng tơi, mướp còn rẻ hơn so với tháng 6 bởi thời tiết này rau lên tốt hơn, giá tôi nhập vào rẻ hơn nên bán cho khách hàng cũng rẻ hơn. Do vậy sẽ không lo giá tăng khi điều chỉnh lương tăng", chị Thảo vui vẻ nói.

Riêng mặt hàng thịt lợn, giá thịt ba chỉ dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg, sườn non từ 150.000-180.000 đồng/kg, nạc vai, mông sấn, chân giò giá 130.000-140.000 đồng/kg... So với với thời điểm đầu năm nay, giá đã tăng 15%-20%.

Các chuyên gia nhìn nhận, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2023 và ít nhất đến tháng 12 tới mới có nguồn cung mới ra thị trường. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá thịt lợn bán ra thị trường…

Còn ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm… về cơ bản giá bán các mặt hàng không thay đổi. Một số đơn vị kinh doanh chuỗi bán lẻ như Winmart, Aeon Mall, Co.opmart, Hapro…đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tại hệ thống siêu thị WinMart, chuỗi cửa hàng WinMart+ đang triển khai 2 kỳ khuyến mại gồm "Deal giải nhiệt - giảm kịch liệt" đợt 1 áp dụng từ ngày 4-17/7 và đợt 2 từ ngày 18-31/7 để mang tới trải nghiệm mua sắm với mức giá phải chăng cho người tiêu dùng trên cả nước.

Cụ thể, danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi lên tới hơn 600 sản phẩm tại tất cả các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ trên cả nước, tâm điểm là các sản phẩm tiêu dùng mùa hè như nước giải khát, kem, thực phẩm ăn liền… đặc biệt là trái cây nhiệt đới đang được chuỗi này giảm giá tới 53% để kích thích mua sắm…

Để giá thực phẩm luôn ổn định, tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’- Ảnh 2.

Về cơ bản giá bán các mặt hàng ở siêu thị không thay đổi. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Kiểm soát chặt chẽ giá cả tiêu dùng

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2024, tránh tình trạng "tát nước theo mưa".

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Cùng đó, khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.

Đặc biệt, tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo...

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá...

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức thông tin, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bình ổn, điều chỉnh giá theo hướng giảm so với thị trường.

Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024. Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được TP. Hà Nội hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài để chủ động kế hoạch sản xuất.

Để làm tốt việc này Sở cũng sẽ tăng cường hoạt động liên kết vùng giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước qua đó chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu…

Diệu Anh

Top