Để giao thông Thủ đô phát triển ‘bứt phá’

21/12/2022 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Để giao thông phát triển bứt phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô cần nhiều giải pháp; trong đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư là các giải pháp đang được thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.

Để giao thông Thủ đô phát triển ‘bứt phá’ - Ảnh 1.

Hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội phát triển cả về chất và lượng. Ảnh: VGP/TN

Kết nối giao thông thông suốt

Trong chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đã xác định vai trò kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những động lực chính để mở rộng không gian phát triển đô thị và ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng. Theo đó, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội phát triển cả về chất và lượng.

Tiêu biểu là các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai; Nội Bài - Nhật Tân; cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài;

Hệ thống cầu vượt thép bắc qua các điểm "đen" ùn tắc giao thông; hàng loạt tuyến đường xuyên tâm, các đường Vành đai 1, 2, 3 và 3,5... góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt.

Đặc biệt, nhờ đổi mới biện pháp thi công giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy đã giúp công trình "vượt lũ" thành công. Việc thay đổi phương pháp đổ bê tông cũng giúp nhà thầu chủ động được nguồn cung cấp vật tư, vật liệu bằng đường sông, giá nguyên vật liệu cũng bớt được chi phí cho khâu trung gian… Nhờ đó, thời gian thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 giảm được 1,5 năm so với giai đoạn 1, dự kiến hợp long cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào tháng 6/2023 và khánh thành vào tháng 10/2023.

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy cũng được đánh giá là một công trình vượt trội về tiến độ và chất lượng, dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Ngoài ra, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)… và chuẩn bị vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Trong đó, đoạn tuyến đi qua Hà Nội có chiều dài hơn 58km, nằm trên địa bàn 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.

Hà Nội xác định, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuyến đường cũng là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng của dự án trong tháng 6/2023, hoàn thành toàn bộ trong tháng 12/2023; tập trung thi công để cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Khép kín các tuyến đường vành đai

Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 hoàn thành đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 1 và vành đai 2, triển khai đầu tư đường vành đai 4 và hoàn thành trước năm 2030. Khởi động và hoàn thành công trình quốc lộ 1, đoạn Văn Điển - Thường Tín, quốc lộ 3, quốc lộ 6, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Thăng Long.

Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành đưa vào khai thác đường vành đai 5 và kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và tuyến trục chính của đô thị, các cầu lớn vượt sông Hồng và các sông của Hà Nội

Bên cạnh đó tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống như: Cầu Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ Liên, Giang Biên, Cầu Đuống 2. Thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Về đường sắt, giai đoạn đến 2025, TP. Hà Nội thúc đẩy thực hiện dự án tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội. Khởi công tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Nam Thăng Long - Thượng Đình; ga Hà Nội - Hoàng Mai; Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt; Văn Cao - vành đai 4; Nam Thăng Long - sân bay Nội Bài; Mai Dịch - Dương Xá. Đầu tư tuyến đường sắt vành đai quốc gia phía đông Hà Nội, từ Ngọc Hồi - Trần Hưng Đạo - Yên Viên.

Đến 2030 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực trung tâm Hà Nội và triển khai thi công cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt Thủ đô kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.

Về hàng không, giai đoạn đến 2025, Thành phố hoàn thành mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đạt công suất 15 triệu hành khách/năm. Đến 2030 phát triển mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch và nhà ga T3 nâng công suất lên 16 triệu hành khách/năm.

Về giao thông tĩnh, giai đoạn đến 2025 hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh như: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; các bãi đỗ xe ngầm bên trong vành đai 3, một số bãi xe ngầm, nổi và cao tầng theo quy hoạch.

Giai đoạn đến năm 2030 đầu tư đưa vào khai thác các bến xe liên tỉnh khác như: Bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam, bến xe phía Tây; cơ bản hoàn thành các bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội theo quy hoạch...

Để có nguồn lực thực hiện mục tiêu, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn; trước mắt cân đối nguồn lực từ ngân sách Thành phố.

Đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch…

Thành Nam

Top