Để Hà Nội là điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Chinhphu.vn) - Nắm giữ những lợi thế đặc biệt quan trọng cùng với nhiều nỗ lực, Thủ đô Hà Nội đang là điểm sáng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Cùng với cả nước, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; giữ vững và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố.
Một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng của Thành phố là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là điểm sáng của KHCN và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Với những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, Big data, và Internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của thành phố.
Thực tế cho thấy, Hà Nội đang "nắm giữ" những lợi thế đặc biệt quan trọng để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo khi là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức KHCN, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Có thể kể đến như: Chương trình số 07 của Thành ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; Nghị quyết số 18 năm 2023 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển thị trường KHCN TP.Hà Nội; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030...
Điều này giúp tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP. Hà Nội.
Theo Sở KH&CN TP. Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình KHCN cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỉ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100% kết quả các đề tài, đề án được áp dụng ngay khoảng 90%. Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.
Năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và cũng đang dẫn đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KH&CN của cả nước (chiếm 21%).
Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo như: Thiếu cơ chế đặc thù, đột phá cho phát triển KHCN, hạ tầng công nghệ cao chưa hoàn thiện. Điển hình là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với những khó khăn, thách thức cả về hạ tầng kỹ thuật, vốn và cơ chế thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, là hết sức cần thiết.
"Cú hích" từ Luật Thủ đô sửa đổi
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: "Chúng tôi đã triển khai các giải pháp đồng bộ, đặc biệt ưu tiêu việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo".
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Luật đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Trong Luật cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KHCN công lập được phép thành lập doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới.
"Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", ông Lê Hồng Sơn cho hay.
Đối với khu công nghệ cao, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ cơ chính sách đặc thù vượt trội, nổi bật là việc phân cấp ủy quyền mạnh mẽ cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao để thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ, từ đó giúp nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.
Bện cạnh đó, dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao của Thành phố được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật. HĐND Thành phố quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao; phát triển Nhà ở cho người làm việc trong khu công nghệ cao...
"Đây là hành lang pháp lý quan trọng, tạo cú hích cho sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng, KHCN và đổi mới sáng tạo Thủ đô nói chung", bà Phan Thị My nhấn mạnh.
Như vậy, với nhiều cơ chế, chính sách mới, có tính vượt trội được trao thêm từ Luật Thủ đô (sửa đổi), thời gian tới, Hà Nội sẽ cần cụ thể hóa các quý định, xây dựng các nghị quyết để triển khai nhằm phát huy các lợi thế, tạo đột phá phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN TP. Hà Nội, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố về các giải pháp tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KHCN; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài nhằm ẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào sản xuất.
Đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng hỗ trợ chuyển giao, kết nối cung cầu công nghệ như: Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội, các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; quan tâm hỗ trợ việc nhập khẩu và giải mã các công nghệ cao từ các nước phát triển, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp điện tử, cơ khí và công nghệ sạch.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những chính sách đào tạo và thu hút nhân tài cũng cần được chú trọng. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực hấp thụ và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp.
Hoàng Giang - Lê Ngọc