Hà Nội: Hoạt động đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ

01/10/2024 4:29 PM

(Chinhphu.vn) - Tại Hà Nội, hoạt động đổi mới sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các cơ quan, viện, trường và doanh nghiệp.

Hà Nội: Hoạt động đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Lê Ngọc

Trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation) năm 2024, ngày 1/10, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Tọa đàm "Vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô".

Techconnect & Innovation năm 2024 là hoạt động quan trọng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024), do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường KHCN, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.

Thông tin một số kết quả nổi bật về thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các cơ quan, viện trường và doanh nghiệp.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội hiện đang đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KHCN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KHCN của cả nước (chiếm 21%).

Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong tất cả các đơn vị trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Hà kỳ vọng nhận được nhiều đóng góp, ý tưởng của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hơn để nâng cao chất lượng đổi mới sáng tạo doanh nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.

Hà Nội: Hoạt động đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ- Ảnh 2.

Tọa đàm "Vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thiết kế gói chính sách riêng cho từng nhóm doanh doanh nghiệp 'hấp thụ'

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi (Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ KH&CN) nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Các cơ chế, chính sách cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại, đồng thời phù hợp với các nhóm doanh nghiệp có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024.

Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn cần sự đồng bộ hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương .

Theo ông Nguyễn Trường Phi, doanh nghiệp được phân ra thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu phát triển, đó là: Nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp KH&CN và nhóm khởi nghiệp sáng tạo.

Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau thì cần đưa ra những gói chính sách riêng làm sao để các nhóm này có thể "hấp thụ" được khi chính sách được đưa ra.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù nhu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay có tiềm năng rất lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Thủ đô nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin về công nghệ mới, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong nhiều khía cạnh, từ việc tư vấn quản lý, chuyển giao công nghệ, đến việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác. Đồng thời, một môi trường kinh doanh thuận lợi, với các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô, các chuyên gia đề xuất Hà Nội hỗ trợ thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm để kéo nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; tăng cường sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tầm cỡ, quy mô lớn...

Hoàng Giang - Lê Ngọc

Top