Đề nghị hỗ trợ giảm lãi suất cho các DN tham gia bình ổn giá
(Chinhphu.vn) - Để thực hiện chương trình bình ổn giá đạt hiệu quả tốt trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội chỉ đạo các ngân hàng có cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá được vay vốn lãi suất thấp hơn lãi suất bình thường từ 1- 2%.
Việc hỗ trợ giảm LS giúp DN vượt qua được khó khăn - Ảnh minh họa |
Hình thức vay vốn theo các hình thức tín chấp, thế chấp, thế chấp bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của doanh nghiệp…
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường thông qua hình thức kết nối ngân hàng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp nhiệt tình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố.
Nếu như năm 2014 chỉ có 4 TCTD đăng ký tham gia và 1 ngân hàng thực hiện giải ngân thì năm 2015 đã có 9 TCTD đăng ký tham gia và có 4 TCTD đã thực hiện giải ngân.
Qua đó các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa đã được hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn, về lãi suất, về thị trường và hệ thống phân phối, duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường khó khăn trong thời gian vừa qua...
Các doanh nghiệp tổ chức bán hàng bình ổn tại 1.165 điểm bán, trong đó có 207 điểm bán tại các huyện ngoại thành, 235 bếp ăn tập thể nhằm đưa hàng bình ổn thị trường phục vụ công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, học sinh, sinh viên là những người có thu nhập thấp, đảm bảo hiệu quả của Chương trình bình ổn thị trường.
Các doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh chấp hành việc treo biển nhận diện phù hợp với quy mô, diện tích từng địa điểm bán hàng để người tiêu dùng biết. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác tuyên truyền tại chỗ để chương trình bình ổn giá ngày càng đi vào tâm trí của khách hàng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã chủ động trong việc dự trữ hàng hóa cũng như bố trí các phương tiện vận chuyển để có thể cung ứng kịp thời hàng hóa khi xảy ra biến động, đồng thời cũng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chất lượng hàng hóa cũng như đa dạng hóa chủng loại hàng hóa nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…
Các vấn đề về chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng thiết yếu tại các điểm bán hàng bình ổn được kiểm soát chặt chẽ. Sau khi nhận vốn tạm ứng, doanh nghiệp tiến hành ký các hợp đồng cung cấp hàng hóa, chuyển tiền hàng ứng trước cho các nhà cung cấp để đảm bảo về giá cả, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Huy Thành