Để phòng chống cháy nổ hiệu quả cho nhà ở, chung cư mini ở Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Sau vụ hỏa hoạn gây bàng hoàng xã hội tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm 12/9. Mấy ngày qua, liên tiếp xảy ra thêm các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội, Hơn lúc nào hết, hiện nay, vấn đề an toàn, phòng cháy chữa cháy trở thành mối quan tâm của rất nhiều người.
Hiểm họa cháy nổ luôn rình rập khiến người dân lo lắng
Vụ cháy nghiêm trọng làm 56 người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương tại chung cư mini Khương Hạ, quận Thanh Xuân vào ngày 12/ 9 vừa qua cho đến nay và nhiều năm sau sẽ vẫn còn là nỗi ám ảnh tiếc thương của rất nhiều người. Trong khi người dân Thủ đô chưa hết bàng hoàng về vụ cháy thì mấy ngày nay, trên địa bàn Hà Nội lại liên tiếp xảy ra các vụ cháy khiến người dân bất an và chính quyền đã vào cuộc tích cực.
Chỉ trong ngày 16/9, Hà Nội xảy ra cháy dồn dập. Sáng 16/9, tại Hà Nội lại xảy ra vụ cháy nhà cho thuê tại số 28 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do công nhân sửa nhà có sử dụng các loại máy cưa tia lửa bắn vào xốp và bắt lửa. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đám cháy đã được khống chế.
Trưa 16/9, tại quận Hai Bà Trưng cũng xảy ra một vụ cháy với nguyên nhân tương tự. Vào khoảng 11 giờ 30 phút, một ngọn lửa đã bùng lên tại tầng 2 ngôi nhà số 159 phố Lò Đúc. Hiện ngôi nhà này đang trong quá trình sửa chữa cho nên không có người dân sinh sống. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong quá trình sửa nhà có sử dụng các loại máy cưa tỉa lửa bắn vào các vật liệu dễ cháy nổ, cho nên gây ra vụ cháy từ tầng 1 lên tầng 2.
Ngoài ra, hơn 21h ngày 15/6, một vụ cháy đã xảy ra tại Trung tâm tiêm chủng chất lượng cao Quốc Oai, địa chỉ tại đường Phú Quốc, thị trấn Quốc Oai. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, công an huyện cùng lực lượng chữa cháy tại chỗ của thị trấn đã kịp thời phối hợp dập tắt đám cháy.
Rạng sáng 17/9, một căn hộ tại tầng 3 tòa chung cư D17, khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy vào lúc nửa đêm, rạng sáng, đã có rất nhiều người dân lo lắng, chạy ra khỏi tòa nhà rồi hô hoán cứu hỏa. 5 người trong căn hộ kể trên đã may mắn thoát ra ngoài an toàn. Vụ việc không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy đang được tiếp tục làm rõ.
Chị Vũ Kim Thuý ở Định Công, Hoàng Mai chia sẻ, bản thân đã chứng kiến nhiều vụ cháy xuất phát từ những căn hộ chật chội, không có lối thoát hiểm, cầu thang, ban công bị bịp kín, hệ thống phòng cháy không có, đặc biệt ở những con ngõ, hẻm nhỏ chỉ đủ cho 1-2 chiếc xe máy đi qua. Chung cư mini Khương Hạ - nơi vừa xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, vào tối 12/9, là một trong những minh chứng rõ nhất về hiện trạng chung cư mini ở Hà Nội.
Đề cập đến việc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", chị Thuý cho rằng, người dân ai cũng lo ngại về những chung cư như trên. Tuy nhiên, làm thế nào để khắc phục tình trạng này thì "đầu tiên - tiền đâu" khi những người lao động thu nhập thấp từ ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống không thể nào trang bị cho bản thân và gia đình những thiết bị phòng cháy như thang dây, mặt nạ phòng độc hay bình chữa cháy. Trong khi đó, các chung cư mini trên thường ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán.
"Chạy theo lợi nhuận, vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu", chị Thuý nhấn mạnh. Chưa hết, theo chị Thuý, gần đây còn xuất hiện tình trạng người dân mang xe đạp điện, xe máy điện lên căn hộ của mình để sạc. Việc này không những gây nguy hiểm cho gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến các gia đình chung sống trong chung cư mini đó khi xe đạp, xe máy điện hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, đề cao chế tài xử lý, cũng như rà soát, siết chặt lại toàn bộ vấn đề phòng cháy tại các chung cư mini nhằm phát hiện những vấn đề, "lỗ hổng để bịt lại". Đồng thời ngay bản thân mỗi người dân cũng phải tự nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho gia đình mình".
Sống tại một chung cư trên địa bàn phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội từ 5 năm nay, sau khi nghe báo, đài thông tin về vụ cháy khiến 56 người thiệt mạng, cho đến giờ anh Dương Đức Mạnh cũng chưa hết xót xa, thậm chí ám ảnh bởi những hình ảnh được người dân chia sẻ lại trên mạng xã hội từ vụ cháy đêm 12/9.
"Một căn chung cư mini có dấu hiệu chưa bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, thậm chí có dấu hiệu chưa bảo đảm về trật tự xây dựng, nhưng vẫn đi vào hoạt động với gần 150 con người ở trong chung cư bất chấp mọi nỗ lực chống lại "giặc lửa" của các cấp, các ngành thì đây là một điều khó thể chấp nhận. Chưa kể, chung cư mini này ở trong ngách, xe chữa cháy không thể tiếp cận, dẫn tới khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Mặc khác, tầng 1 với đủ thiết bị điện và xe máy điện, xe máy có xăng", anh Mạnh bức xúc nói.
Những năm qua, đã xảy ra không ít vụ cháy trên địa bàn gây hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy khiến "3 cảnh sát hy sinh khi chữa cháy tại quán karaoke hồi tháng 8/2022", "4 người chết trong đám cháy do đốt vàng mã năm 2021", "8 người chết do xưởng bánh kẹo bị cháy hồi tháng 7/2017", "13 người chết trong vụ cháy quán karaoke hồi tháng 11/2016"… Chia sẻ của chị Thuý, anh Mạnh cũng là tâm tư lo lắng và là mối quan tâm chung của nhiều người về vấn đề thiếu an toàn của những chung cư mini, khu nhà trọ, nhà ở, quán hàng không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Nhiều người đặt câu hỏi quan tâm về nguyên nhân của tình trạng này, cũng như trách nhiệm, giải pháp hữu hiệu cho vấn đề khắc phục nguy cớ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy hiện nay.
Nhìn rõ các nguyên nhân, bình tĩnh để có giải pháp hiệu quả phòng cháy
Trao đổi về vấn đề cháy nổ ở Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, qua những vụ cháy liên tiếp có thể thấy, nguy cơ cháy nổ trực chờ ở khắp mọi nơi. Nhưng nguy cơ lớn như vậy, chúng ta lại càng cần phải bình tĩnh, sáng suốt tìm những giải pháp tối ưu và hiệu quả.
"Chúng ta có thể thấy, nguy cơ cháy ở khắp nơi và phần lớn là do bất cẩn của con người. Do vậy, nếu nguy cơ nguy hiểm đến bao nhiêu chăng nữa nhưng chúng ta chủ động phòng ngừa thì vẫn có thể loại trừ được", KTS Trần Huy Ánh nói.
Theo ông Trần Huy Ánh, trong tình huống cháy nhiều như thế thì việc đi mua những thiết bị phòng cháy, chữa cháy cũng là tốt nhưng cái đó cũng chưa phải, đừng quá đặt niềm tin quá lớn vào những phương tiện đấy. Bởi vì có nhiều khi trong những tình huống chưa chắc đã đáp ứng được.
"Chúng ta có làm để yên tâm, nhưng cũng cần chủ động phòng ngừa và hiểu biết rõ chất gây cháy, nguồn gây cháy và chủ động khi mà có những tình huống như thế thì chúng ta thoát khỏi đám cháy, hoặc là chúng ta chủ động để ngăn đám cháy ít gây thiệt hại nhất'. KTS Trần Huy Ánh cho biết.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, phòng cháy, chữa cháy không chỉ là trách nhiệm của riêng ai. Vừa qua, chính quyền địa phương vào cuộc khẩn trương nhưng cần hơn nữa là những tuyên truyền cụ thể, các tình huống cụ thể hơn, kiểm tra xử lý nghiêm hơn các sai phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cần tham vấn thêm chuyên gia để cùng với chính quyền địa phương ở mỗi một ngôi nhà có thể tư vấn, thoát hiểm như thế nào trong các tình huống hỏa hoạn. Ngoài ra, hiện nay người dân cũng mua và sử dụng nhiều các thiết bị xe điện, cần sạc điện là nhập khẩu. Cũng có nhiều thiết bị chưa qua kiểm tra an toàn, các khả năng cháy nổ rất cao và nguy hiểm hơn là khi cháy là không thể nào dập được bằng các phương tiện chữa cháy thông thường. Cho nên ngay trong lúc này cần phải phân loại vừa đưa ra khỏi các khu vực tầng hầm, nơi tập trung đông người, nhà để xe giữa chung cư. Đó là những vấn đề mà ngay trong lúc này cần phải chủ động thực hiện nhưng phải hết sức bình tĩnh và sáng suốt trong các phương án.
Nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu trong các khu chung cư và căn hộ cho thuê. Ảnh: VGP/Minh Anh
Cũng đề cập đến nguyên nhân gây ra vụ cháy, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bày tỏ, đám cháy ngày 12/9 đã lấy đi sinh mạng của gần 60 con người, đa số là học sinh, sinh viên, một nỗi đau xé lòng với người ở lại.
Nguyên nhân gây cháy ban đầu được cho là do cháy từ xe điện đang sạc. Từ đây cũng là một cảnh báo quan trọng. Theo Luật sư Thiệp, tìm từ khóa cháy nổ xe điện, chúng ta sẽ thấy số lượng cháy nổ do sạc pin xe điện rất nhiều. Mỗi vụ cháy không chỉ thiệt hại về người và của, nó còn thiệt hại cả về tinh thần, những nỗi đau không dứt cho người ở lại. Đặc biệt, nhà phố ở Việt Nam, với không gian chật hẹp, cần có quy định nghiêm cấm việc sử dụng xe điện và sạc pin nơi công cộng, chật chội, nơi sạc pin cần riêng biệt, để nếu cháy nổ xảy ra cũng không ảnh hưởng tới xung quanh. Các trường học, chung cư, nên để khu xe điện riêng biệt 1 nơi, ngoài trời thoáng đãng, và tất nhiên phải trả phí cao hơn: Phí sạc pin, phí rủi ro gây cháy nổ, và tính toán cả việc tăng giá điện vào đó…
Theo các chuyên gia xây dựng, đối với riêng các căn hộ cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan. Nguyên nhân là do người dân sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn; căn hộ không được trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Đáng ngại nhất hiện nay còn là tình trạng các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe nhưng không được thiết kế, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy và giải pháp an toàn khi có cháy,...
Tại buổi kiểm tra công tác PCCC ở các chung cư mini trên địa bàn mới đây, một lãnh đạo UBND quận Long Biên cho rằng, cần tính toán, xác định tới giải pháp di dân, UBND phường và Công an phường có trách nhiệm vận động người thuê trọ di dời khỏi các công trình nguy hiểm không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, công tác này triển khai càng sớm càng tốt. Đối với các công trình hiện hữu yêu cầu tuyệt đối không cho phép để xe điện và xe máy trong tòa nhà.
Lãnh đạo UBND quận Long Biên cũng cho rằng các địa phương cần có trách nhiệm vận động người dân tự tạo lối thoát nạn khận cấp trong công trình không đảm bảo về lối thoát nạn. Vận động các hộ liền kề tạo điều kiện để bố trí thang sắt thoát nạn ngoài nhà, nguồn kinh phí chủ đầu tư phải hỗ trợ, phối hợp cùng người dân, ngoài ra có thể huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Đối với các cơ sở phải tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC cho các hộ dân đang sinh sống. Đặc biệt lực lượng bảo vệ, quản lý, vận hành tòa nhà phải được huấn luyện, cấp chứng chỉ huấn luyện PCCC…
Chủ trì cuộc họp trực tuyến quan trọng với tất cả các địa phương quận huyện và các địa phương trên địa bàn để triển khai Công điện số 796/CĐ - TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu kiểm tra ngay 100% chung cư mini trên địa bàn Thành phố. Nhấn mạnh vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân là vụ việc gây hậu quả nặng nề nhất từ trước đến nay của Thành phố, Chủ tịch Thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, tổng kiểm tra lần này là để có giải pháp "ứng chiến" và người dân ủng hộ thì mới giảm được nguy cơ cháy nổ.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ ra một số việc cụ thể cần làm ngay; lưu ý nguy cơ việc hầm để xe với lượng xe máy rất nhiều. Trong khi chưa có tiêu chí một m2 để được bao xe máy, thì phải vận động, tuyên truyền để người dân phải đồng thuận, tự sắp xếp, tự quản... Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cùng tìm giải pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ về xe đạp điện khi tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có. Có giải pháp cụ thể cho mọi tình huống, nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy để không bảo đảm an toàn cho mọi người.
Minh Anh