Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong Thủ đô

31/03/2025 2:10 PM

(Chinhphu.vn) - Văn hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách mới hình thành nên môi trường để phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Hà Nội nhất là về năng lực tổ chức các sự kiện lớn, quy mô quốc tế.

Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội là "cầu nối văn hóa" giữa Việt Nam và các nước quốc tế. Ảnh: VGP/MT

Hà Nội với thế mạnh có 6.489 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công, với nguồn lực con người to lớn, cơ cấu dân số vàng, nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì Hòa Bình" do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNECO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Xây dựng được các sản phẩm văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Hà Nội, vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.

Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm, điển hình như tour Đêm Thiêng liêng tại di tích Hỏa Lò; tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Tinh hoa đạo học…

Trong lĩnh vực thể thao, thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo HLV, VĐV thành tích cao, trọng điểm với các môn ở Olympic và ASIAD. Thể thao thành tích cao được tập trung giữ vững.

Sự nghiệp thể dục thể thao cho mọi người được quan tâm đẩy mạnh; hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.

Về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Thành phố chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Đặc biệt thông qua việc quảng bá hình ảnh, thông qua các hoạt động du xuân hữu nghị, bản sắc văn hóa độc đáo của Hà Nội đã được thúc đẩy mạnh mẽ, những giá trị di sản văn hóa của Thủ đô đã được giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế. Những hoạt động này không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị mà còn giúp lan tỏa giá trị văn hóa Hà Nội về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, hiếu khách và giàu bản sắc, đọng lại mãi trong lòng mỗi du khách khi đến Hà Nội. Đó còn là "sợi dây" kết nối giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới, đưa đối ngoại nhân dân Thủ đô lên tầm cao mới trong Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU diễn ra ngày 28/3/2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Nguyễn Văn Phong khẳng định, các sản phẩm văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô, cũng như định hướng phát triển trong tương lai, góp phần khơi nguồn sáng tạo trong xã hội, các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, các làng nghề và đặc biệt trong giới trẻ.

Ngoài ra, đã bước đầu ứng dụng CNTT trong số hóa, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa, đặc biệt là số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, phải xác định văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính mới, phải cụ thể hóa những vấn đề văn hóa, giáo dục, du lịch vào các quy hoạch, mục tiêu phát triển của Thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, thúc đẩy hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong nước và quốc tế để làm phong phú, khơi nguồn, cập nhật, phát triển vốn quý văn hóa của Thủ đô.

Từ đó, để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại - người dân hạnh phúc; để Hà Nội trở thành một điểm sáng về phát triển văn hóa, điểm đến của bạn bè quốc tế.

Minh Thư

Top