Hà Nội: Xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình đến xã hội
(Chinhphu.vn) - Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội đã góp phần nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo sự chuyển biến rõ rệt từ Thành phố đến cơ sở, tạo đột phá trong phát triển văn hóa, con người Thủ đô.

Chương trình 06 của Thành ủy đã góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh: VGP/Gia Huy
Sáng 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" tổ chức hội nghị tổng kết chương trình.
Dự và chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06…
Xây dưng môi trường văn hóa từ gia đình đến xã hội
Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành năm 2021, dự kiến 22 danh mục dự án, được cụ thể thành 159 dự án, nhóm dự án với tổng mức đầu tư là 27.383 tỷ đồng. Chương trình đề ra 18 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, được cụ thể hóa thành 22 chỉ tiêu.
Trong đó, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành hàng năm như: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ Thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa; Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá hàng năm; số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia…
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 06, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ Thành phố đề ra, với các chuẩn mực định hướng cơ bản.
Trong đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội được đề cao, là nền tảng quan trọng. Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 30 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" ban hành ngày 19/2/2024 là sự kế thừa, tiếp nối những chủ trương, chính sách và biện pháp mà Hà Nội đang tiến hành.
Thành phố cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả thông qua Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã có nhiều điểm mới, sáng tạo mô hình thiết thực đem lại hiệu quả nổi bật:
Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình được triển khai với phương châm: "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình" và thực hiện hệ giá trị gia đình Việt Nam "Ấm no - Tiến bộ - Hạnh phúc - Văn minh" nhằm tuyên truyền về giá trị truyền thống văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh.
Việc Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng được triển khai cụ thể bằng mô hình xây dựng Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; Xã - Huyện nông thôn mới; Phường, thị trấn đạt văn minh đô thị. Thành phố đã ban hành các bộ tiêu chí đánh giá cụ thể hóa Nghị định 86/NĐ-CP về khung tiêu chuẩn và trình tự, xét tặng danh hiệu văn hóa; Quyết định số 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06 là phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho Hà Nội.
Thành phố đã triển khai thực hiện các cam kết tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thiết kế sáng tạo". Hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư phát triển Công nghiệp văn hóa là lợi thế của Thủ đô như: Di sản, làng nghề, ẩm thực, không gian văn hóa....
Hà Nội đã rà soát, điều chỉnh bổ sung phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tập trung đầu tư các công trình văn hóa, di tích lịch sử và một số công trình văn hóa mới, tiêu biểu của Thủ đô.
Trong đó tập trung phát triển các trục không gian văn hóa chính: Trục văn hóa sông Hồng, Trục văn hóa tam giác khu vực Trung tâm văn hóa nội đô – Hồ Tây – Cổ Loa, Trục văn hóa Trung tâm nọi đô – Tây Hồ - Bắc Từ Liêm – Hoài Đức - Phúc Thọ - Quốc Oai – Thạch Thất – Sơn Tây – Ba Vì, Trục văn hóa Trung tâm văn hóa nội đô – Hoàng Mai – Thanh Trì – Thanh Oai, Thường Tín – Phú Xuyên, Trục văn hóa sông Đáy.
Thành phố tham gia các hoạt động về phát triển công nghiệp trong và ngoài nước, các hội nghị tham vấn phát triển công nghiệp văn hóa; tư vấn việc triển khai thực hiện các cam kết xây dựng thành phố sáng tạo đối với các tỉnh, thành phố: Hội An - Quảng Nam, Đà Lạt - Lâm Đồng, Hồ Chí Minh...; tổ chức các hội nghị tháo gỡ các khó khăn đối với các doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng 5 không gian văn hóa sáng tạo tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, các công viên sáng tạo tại quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa... Tập trung xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với công nghệ 3D mapping, Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lễ hội ánh sáng Tây Hồ Tây, Lễ hội Sen Tây Hồ; tour đêm Hoàng Thành, Đêm Thiêng liêng (di tích Nhà tù Hỏa Lò), Ngọc Sơn - đêm huyền bí...
Hà Nội cũng chủ động hội nhập quốc tế, hiện có quan hệ hợp tác với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội cũng là thành phố tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.
Đồng thời thường xuyên tăng cường tổ chức giao lưu, đối ngoại về văn hóa để giới thiệu, quảng bá về văn hóa và con người Thủ đô; về bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhờ đó vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, số lượng khách nước ngoài đến Hà Nội tăng không ngừng; mối quan hệ, hợp tác giữa Hà Nội với các Thủ đô, vùng lãnh thổ trên thế giới ngày càng mở rộng.
Gia Huy