Hà Nội ưu tiên xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh
(Chinhphu.vn) - Trong nhiều năm qua, TP. Hà Nội luôn tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển con người nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.
Xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh
Trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu: "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới" với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiều năm qua, Thành phố đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển con người.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là một trong năm nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025".
Đến tháng 2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về "tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, các địa phương, đơn vị, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của ngành, đơn vị và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc Thành phố với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội với phong trào xây dựng người Phụ nữ Thủ đô "trung hậu - năng động -sáng tạo - đảm đang - thanh lịch"; Thành Đoàn TNCS phát động Cuộc vận động "Xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại". Liên đoàn lao động Thành phố với cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp"’ Công an Thành phố tập trung triển khai tốt phong trào "Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy". Sở Giáo dục và Đào tạo với phong trào thi đua "Hai tốt"; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng "Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch"…
Triển khai 2 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan trực thuộc) đến nay, Thành phố đã phát hành hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử. Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.
Xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa
Theo Thành ủy Hà Nội, thời gian qua Thành phố xác định nhiệm vụ cốt lõi là tập trung xây dựng Thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như: Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa... nhằm từng bước đi vào cuộc sống, có những những tác động tích cực, được dư luận Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đã xác định việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở thông qua việc phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá ngày càng cao của nhân dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hoá.
Đặc biệt, Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động dành cho thiếu nhi vào các dịp hè với nhiều chương trình phong phú, đa dạng: Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, các hoạt động bên lề.... với mục đích tạo điều kiện cho các em được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí ý nghĩa và bổ ích, nhằm động viên các em phát triển toàn diện.
Việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn Thành phố được triển khai cụ thể hóa thông qua triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa.
Trong xây dựng gia đình văn hóa tập trung triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tuyên truyền giá trị về văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, góp phần thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, Tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh với các phong trào thi đua người tốt, việc tốt, phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội…
Các mô hình thôn, làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: "thôn, tổ dân phố tự quản", "thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch" được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Hằng năm, Thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Kết quả công tác xây dựng các mô hình văn hóa thời gian qua ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở. Tiêu biểu như các quận/huyện: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Sơn Tây, Đông Anh, Đan Phượng…
Đặc biệt sau khi triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố, việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản các đám cưới đã thực hiện đảm bảo theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm. Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng nên tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất tăng lên, toàn thành phố đạt tỷ lệ trên 74%.
Hà Nội tích cực triển khai thực hiện tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 trong nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thông qua đạt chuẩn tiêu chí về văn hóa.
Gia Huy