Xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố cổ để phát triển du lịch

11/11/2024 3:49 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố cổ gắn với thực hiện 5 tiêu chí văn hóa ứng xử, trong đó có giao tiếp, ứng xử có văn hóa, ý thức giữ gìn trật tự đô thị, kinh doanh văn minh, thương mại… nhằm phát triển du lịch bền vững.

Xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố cổ để phát triển du lịch- Ảnh 1.

Quận Hoàn Kiếm xác định xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố cổ là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài - Ảnh: VGP/Gia Huy

Góp phần phát triển du lịch bền vững cho Thủ đô

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, quận có diện tích nhỏ 5,28km2 với số dân hơn 140.000 người. Đặc điểm của quận Hoàn Kiếm là mật độ dân số cao, là quận trung tâm nội đô lịch sử; được xác định là trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa của Thành phố.

Vì vậy, quận xác định trong quá trình phát triển, việc xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, đặc biệt tại khu vực phố cổ, là nhiệm vụ quan trọng để gắn kết với việc phát triển du lịch bền vững.

Người dân phố cổ Hoàn Kiếm có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, với lối sống thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, một số hành vi ứng xử chưa phù hợp vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa phố cổ.

Phố cổ Hoàn Kiếm là điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo. Lượng du khách trong và ngoài nước ngày càng tăng, đòi hỏi một môi trường văn hóa thân thiện, chuyên nghiệp và hiện đại.

Nhận thấy sự cần thiết về việc thay đổi hành vi ứng xử của người dân trong quá trình phát triển, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Đề án xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ gắn với quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố và Đề án phát huy văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ với tác phong phục vụ chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và du khách với mục tiêu xây dựng quận Hoàn Kiếm trở thành điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".

Bình quân tốc độ tăng 2 trưởng doanh thu thương mại-dịch vụ giai đoạn 2020-2024 của Hoàn Kiếm ước đạt 11,1%, trong đó doanh thu ngành du lịch đạt 60,3% (chỉ tiêu nhiệm kỳ 20%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quận chiếm 98,04% (đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 98-99%).

Lượng khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận tăng nhanh, năm 2021 số người nước ngoài lưu trú trên địa bàn quận là 33.902 người, năm 2022 là 323.140 lượt khách, năm 2023 là 1,71 triệu lượt, quý II năm 2024 là 1,17 triệu lượt.

Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh góp phần lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu của người dân Thủ đô "người Tràng An - 36 phố phường"; đây là đòn bẩy quan trọng tạo ra chuyển đổi cơ cấu, tỷ trọng kinh tế từ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sang thương mại, du lịch, dịch vụ.

Xác định xây dựng văn hóa ứng xử của người dân là nhiệm vụ lâu dài

Triển khai công tác xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố, quận đã thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn quận gắn việc phát triển văn hóa với kinh tế, an ninh, quốc phòng. Xây dựng, hoàn thiện, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.

Để đạt được những kết quả ban đâu, quận Hoàn Kiếm đã tập trung tăng cường giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong phát triển du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi hội thảo, hội nghị.

Triển khai các chương trình giáo dục, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho người dân, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai, nâng cao chất lượng các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Người tốt việc tốt".

Đặc biệt, quận chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội là Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan.

Hai Bộ Quy tắc ứng xử này được thực hiện gắn với thực hiện 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ, đó là: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; Giao tiếp, ứng xử có văn hóa; Có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; Trang phục gọn gàng, lịch sự; Kinh doanh văn minh, thương mại nhằm đưa các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thâm nhập vào đời sống,

Qua đó, quận Hoàn Kiếm xây dựng nét đẹp trong lối sống, nếp sống, phong cách ứng xử, ý thức tự giác tôn trọng chấp hành pháp luật không những của người Hoàn Kiếm mà còn cả du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến tham quan, học tập, làm việc tại quận Hoàn Kiếm để các quy tắc ứng xử đi vào thực tế cuộc sống, để mọi người dân đều nắm rõ và thực hiện.

Quận cũng tập trung chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng giáo dục chất lượng cao, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách và giáo dục pháp luật cho học sinh góp phần phát triển văn hoá, giáo dục theo hướng văn minh, hiện đại, xứng với tiềm năng và vị thế của quận Hoàn Kiếm.

Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên du lịch, từ hướng dẫn viên, lái xe, đến các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu của du khách.

Quận cũng mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể tại khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm. Kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của phố cổ, như các lễ hội, nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian. Tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa có thể cống hiến và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về văn hóa ứng xử và dịch vụ du lịch. Kịp thời xử lý các vi phạm, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh.

Quận Hoàn Kiếm cũng xác định, xây dựng văn hóa ứng xử của người dân phố cổ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài. Vì thế cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng hình ảnh văn hóa đẹp, góp phần phát triển du lịch bền vững cho quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.

Gia Huy

Top