Đổi mới để xây dựng và phát triển văn hóa từ cơ sở
(Chinhphu.vn) - Ở cấp cơ sở, thị xã Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy, từng bước phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô.
Phát triển công nghiệp văn hóa để Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh
Chia sẻ về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tại cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, thị xã Sơn Tây luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa, con người là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ truớc mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thị ủy Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy; tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết số 33-NQ/TW đề ra.
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn, toàn diện đó, Thị ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết số 33 bằng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể. Đặc biệt trong các chương trình công tác toàn khóa của Thị ủy đều có chương trình công tác riêng về phát triển văn hóa, con người.
Để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, con người, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Nghị quyết được Thị ủy, HĐND, UBND Thị xã thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, bổ sung, điều chỉnh phương thức lãnh đạo phù hợp, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn Thị xã.
Trữ lượng tài nguyên văn hóa dồi dào này được lãnh đạo thị xã quan tâm, có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị. Thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của du lịch.
Thị xã Sơn Tây xác định, phát triển công nghiệp văn hóa và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô.
Xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo
Theo đó, thời gian qua Sơn Tây đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tổ chức chương trình Tết Làng Việt, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Đêm hội trăng rằm Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu Bình minh trên Thành cổ, Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng...
Đến nay, Thị xã đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, tổ chức phiên chợ Làng Mô, chợ đêm Làng cổ…
Thị xã có hai điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn; du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm đã được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASean.
Năm 2023, Thị xã đón gần 1.2 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã.
Vì vậy, trong những năm qua, việc xây dựng con người Sơn Tây phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại được thị xã xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Trong đó, thị xã Sơn Tây coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, năng lực đổi mới sáng tạo và ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tỷ lệ ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Thị xã chiếm trên 20% tổng chi ngân sách của địa phương. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng, đặc biệt là các mô hình tự quản được Nhân dân tích cực tham gia trên các lĩnh vực như: xây dựng môi trường, cảnh quan sạch, đẹp, thân thiện, quản lý đô thị, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức các hoạt động lễ hội, xóa nghèo, giảm hộ khó khăn...
Nhiều lễ hội trên địa bàn Thị xã được nâng cấp và tạo thành một mạng lưới gắn kết các di sản, vừa phục vụ công tác giáo dục lịch sử, văn hóa, vừa tạo nên những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán chia sẻ, để các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững, trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn việc phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới.
Trong đó trọng tâm bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thị xã gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn. Phát triển giáo dục - đào tạo Thị xã để xây dựng và phát huy nguồn lực con người để Thị xã thực sự trở thành trung tâm giáo dục phía Tây Thủ đô.
Gia Huy