Thi đua sâu rộng từ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

16/12/2024 12:49 PM

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các quận, huyện đã xây dựng nhiều mô hình nổi bật được người dân ghi nhận và tích cực hưởng ứng, góp phần là động lực để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Thi đua sâu rộng từ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh- Ảnh 1.

Quận Ba Đình xây dựng và phát triển nhiều mô hình kiểu mẫu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Quận Ba Đình xây dựng và phát triển nhiều mô hình kiểu mẫu

Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025", UBND quận Ba Đình luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Vì vậy, quận đã có nhiều chuyển biến, tác động tích cực đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là trong xây dựng đô thị văn minh, gia đình, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử.

Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" quận từng bước nâng cao chất lượng công tác đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; đề cao vai trò trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ.

Từ năm 2009 đến năm 2023, quận đã biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, khen thưởng gần 1.300 gia đình văn hóa tiêu biểu.

Xác định được vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong nhà trường đối với việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục nghiên cứu, đưa vào triển khai thực hiện nhiều mô hình như: "Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp"; kết hợp với phong trào xây dựng "Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực" và các tiêu chí xây dựng "Đơn vị đạt chuẩn văn hoá" để lồng ghép các nội dung tuyên truyền cho phù hợp

UBND quận cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ đã xây dựng và phát triển tốt mô hình "Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng". Theo đó, 100% các phường trên địa bàn quận đã có tổ dân phố đăng ký thực hiện xây dựng mô hình đảm bảo phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, vận động 100% các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trong tổ thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đã có nhiều mô hình nổi bật được người dân ghi nhận và tích cực hưởng ứng, tiêu biểu như: Phường Trúc Bạch với mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cán bộ hội viên phụ nữ số 3 phường Trúc Bạch phối hợp hệ thống chính trị tại địa bàn thành lập "Thư viện văn minh ươm mầm tri thức" và đặc biệt là thành lập CLB Anh ngữ, giúp hội viên nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người nước ngoài.

Phường Giảng Võ với mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại Tổ dân phố số 3 với công trình Tuyến phố văn minh an toàn xanh sạch đẹp gắn với mô hình Cổng trường xanh, an toàn, niêm yết quy tắc ứng xử tại khu vực hồ Giảng Võ…

Để triển khai có hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, UBND quận đã xây dựng nhiều mô hình như "Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp", Mô hình "Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng".

Từ các mô hình này, nhiều cách làm hay đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả trong toàn quận như: Mô hình "Bộ phận làm ngay" tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả quận; Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của UBND phường Trúc Bạch; Mô hình "5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ" tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả phường Vĩnh Phúc, với 5 thủ tục gồm đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực chữ ký và chứng thực bản sao được giải quyết ngay tại chỗ; Mô hình "Tiểu thương giao tiếp thân thiện", "Tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch đẹp", "Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn" của UBND phường Kim Mã…

Đến nay, hầu hết các mô hình đã trở thành phong trào sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn quận.

Nhiều cách làm sáng tạo gắn xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa

Đối với huyện Sóc Sơn, trong những năm vừa qua, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, công tác quản lý nhà nước về gia đình luôn được Đảng bộ và chính quyền huyện coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội.

Điều này đã được cụ thể hóa trong các phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"... ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Việc triển khai các giải pháp bước đầu ghi nhận những kết quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay. 

Nhiều mô hình truyền thông được xây dựng triển khai trên cơ sở thế mạnh và đặc trưng riêng của mỗi ban, ngành, đoàn thể đảm bảo tiếp cận từng nhóm đối tượng. Tiêu biểu như gắn việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với việc đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tích cực tham gia xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, xây dựng quỹ khuyến học góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện.

Liên đoàn lao động huyện có phong trào thi đua xây dựng "Nếp sống văn minh công nghiệp", xây dựng công sở sạch - đẹp - an toàn; Hội Phụ nữ với phong trào thi đua "Phụ nữ thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc"; phong trào xây dựng phụ nữ Thủ đô "Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch" "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp".

Hội cựu chiến binh với phong trào "Xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh - cựu chiến binh thủ đô thanh lịch, văn minh - Hội viên gương mẫu, Gia đình hội viên văn hóa"; Hội Nông dân với cuộc vận động "Người nông dân Hà Nội thanh lịch - văn minh" với 5 tiêu chuẩn thanh lịch - hiểu biết - năng động - nghĩa tình - kỷ cương.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"; Ngành văn hóa và thông tin đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa gắn với sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa, gia đình thể thao.

Năm 2024, huyện Sóc Sơn có 95% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 100% (05/05) tổ dân phố đủ điều kiện xét công nhận Tổ dân phố văn hóa; 170/183 thôn làng đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu Thôn văn hóa năm 2024 (đạt 92,8%). 

Nhiều tổ chức, đoàn thể có cách làm sáng tạo, gắn xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa như: Phong trào "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", "Gia đình 5 không, 3 sạch"; "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền"...

qua đó phong trào xây dựng gia đình văn hoá không chỉ phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư mà chất lượng  gia đình văn hoá ngày càng được nâng lên. Các xã, thị trấn cũng căn cứ tình hình thực tiễn để triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, trong đó có xây dựng gia đình văn hoá.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống  tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Gia Huy

Top