Đề xuất giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện
(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia cho rằng, với thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các huyện của Hà Nội hiện nay, yêu cầu cấp thiết cần có những nội dung hướng dẫn về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan...
Nhận định trên được đưa ra tại hai hội thảo khoa học "Giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội" và "Khung hướng dẫn về quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội" do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo KTS Lã Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), các quy định pháp luật liên quan chưa chuẩn hoá và đồng bộ; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ quản lý còn chậm, công cụ quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan còn thiếu; số lượng quy hoạch tại các huyện dàn trải, thiếu trọng tâm… là những vấn đề tồn tại.
Vì vậy, việc tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đối với quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, di sản, công trình tôn giáo, tín ngưỡng; vận động người dân hiến đất mở đường; xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng... là những giải pháp có hiệu quả.
PGS.TS Phạm Hùng Cường, Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua do thiếu nội dung trong các quy định quản lý nên các huyện đang thiếu đi các đặc trưng về kiến trúc cảnh quan, khu vực bảo tồn cảnh quan như khu vực ven sông, kênh mương, hệ thống cây xanh thuần không được đề xuất, chất lượng môi trường vì vậy cũng chưa được bảo đảm.
Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, cảnh quan sông ngòi, cánh đồng, kênh mương là đặc trưng của cảnh quan nông thôn, vốn thân thuộc với mọi người lại không lọt vào tầm nhìn. Hệ thống hành lang xanh đã có định hướng trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô chưa được cụ thể hóa thành các quy định quản lý trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Cụ thể, qua khảo sát đánh giá công tác quy hoạch vùng huyện và việc triển khai quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan vùng huyện tại một số huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy có 2 nội dung chưa được hướng dẫn rõ trong Thông tư 04/ 2022/TT-BXD và các hướng dẫn của TP. Hà Nội, do đó rất cần xem xét bổ sung để hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch vùng huyện. Đó là, bổ sung các quy định quản lý về phân bố điểm dân cư, khung cảnh quan vùng huyện trong các đồ án quy hoạch vùng huyện là cần thiết.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kiểm soát và khung phát triển sẽ bổ sung cho công cụ quản lý quy hoạch hiện nay. Việc bổ sung có thể thông qua các khung hướng dẫn quản lý quy hoạch để các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đơn vị quản lý lập quy hoạch cấp thành phố, huyện, xã thống nhất về những nội dung quản lý trong các đồ án quy hoạch và triển khai quy hoạch trên địa bàn vùng huyện.
Ở góc dộ địa phương, đại diện phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai cho biết, công cụ thực hiện quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện còn thiếu như chưa phủ kín quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, chưa có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (quy chế kiến trúc) của huyện, thị trấn sinh thái Quốc Oai, đô thị Hòa Lạc là các khu vực quan trọng về kiến trúc cảnh quan.
Ngoài ra, việc phân loại, phân vùng khu vực đô thị và khu vực nông thôn hiện trạng và quy hoạch chưa rõ ràng, thống nhất giữa các quy định về quản lý địa giới hành chính, phân loại đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị gây khó khăn cho việc quản lý quy hoạch kiến trúc với các công trình xây dựng.
Từ những tồn tại thực tế, các chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, và với thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các huyện của Hà Nội hiện nay, nhu cầu cấp thiết là phải nghiên cứu giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện theo hướng phát triển bền vững.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong các huyện hiện nay mô hình làng xã còn mang đậm dấu tích truyền thống với kiến trúc cảnh quan riêng biệt tạo thuận lợi để phát triển văn hóa phi vật thể. Cần nhận diện di sản văn hóa từng huyện, từng làng xã để có giải pháp thích hợp trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, để xác định các khu vực và kiến trúc cảnh quan đặc thù của huyện, cần tạo phân cấp quản lý phù hợp. Hiện nay các huyện của Hà Nội đang có nhiều thách thức về đô thị hóa, do đó nên đổi mới bộ máy quản lý xây dựng, gắn với chủ trương phân cấp, ủy quyền của TP. Hà Nội như về quản lý các dự án phát triển, cơ quan đầu mối quản lý quỹ đất, thanh tra xây dựng...
Thùy Chi