Đề xuất hỗ trợ Hà Nội xây dựng các văn bản thi hành Luật Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào sáng 6/7, tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết Thành phố đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hà Nội sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô.
Để triển khai Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thành phố cho biết dự kiến sẽ xây dựng 97 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 6 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thành phố đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến của Quốc hội. Thành phố phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.
Đồng thời lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, phê duyệt 2 Quy hoạch của Thủ đô.
Trước đó, ngày 1/7, Kỳ họp thứ 17 HĐND TP.Hà Nội khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Tại Kỳ họp lần này, HĐND TP đã quyết định nhiều nội dung quan trọng; kịp thời quyết định các cơ chế chính sách đặc thù, tác động sâu rộng tới an sinh xã hội. Cụ thể, kỳ họp đã cho ý kiến để hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỷ lệ thống nhất rất cao (với tỷ lệ tán thành là 95,06%).
Theo HĐND TP, đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Liên quan đến Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung công việc quan trọng: lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80 ngày 24/5/2024 về 2 Quy hoạch; tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và xem xét, cho ý kiến đối với 2 Quy hoạch với quyết tâm xây dựng phát triển Thủ đô với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh.
Hiện tại, Thành phố đang tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống. UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV/2024; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô, các đề án thí điểm các cơ chế, chính sách liên kết vùng, tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.
6 tháng cuối năm 2024, Thành phố sẽ tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chủ động sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố; Tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch của Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; Chú trọng công tác an sinh xã hội; Thực hiện công tác chuẩn bị xây dựng các Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và Kế hoạch trung hạn 2026-2030...
Giang Oanh