Đề xuất sát thực tiễn để chuyển đổi số là khâu đột phá của Hà Nội

17/05/2023 2:57 PM

(Chinhphu.vn) - Sau đợt giám sát, các đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ nội dung, đề xuất sát thực tiễn để công tác CCHC, thực hiện chuyển đổi số của thành phố chuyển biến tích cực, chuyển đổi số là khâu đột phá phục vụ người dân và doanh nghiệp Thủ đô.

Đề xuất sát thực tiễn để chuyển đổi số là khâu đột phá của Hà Nội - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm - Ảnh: VGP/GH

Tiếp tục chương trình giám sát của HĐND TP. Hà Nội, ngày 17/5, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã thực hiện giám sát tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà đã thực hiện giám sát tại quận Đống Đa về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước

Giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, huyện Gia Lâm xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đồng bộ. Nhận thức trong chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC đã được cải thiện thông qua việc thực hiện chấm chỉ số CCHC đối với các đơn vị.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 178 cuộc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC các cơ quan, đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt nhiệm vụ thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do UBND thành phố giao; đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính vào sáng thứ 7 hàng tuần tại 17/22 xã, thị trấn.

Các vấn đề "nóng" như kế hoạch sử dụng đất, vấn đề thu hồi đất, cấp sổ đỏ, kết quả giải quyết đơn thư, cải cách hành chính, thông tin tuyển dụng công chức, viên chức…cũng được cập nhật kịp thời, đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của huyện.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị được đổi mới, tiến hành thường xuyên, từ đó, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến, đặc biệt là việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính; phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện CCHC tại các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể trong toàn huyện.

Ngoài ra, 100% đơn vị trong huyện đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn; thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp. 

Tổ chức bộ máy, biên chế các phòng, ban, đơn vị đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hành, cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo; có sự phân định rõ giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính được nâng lên. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự điều chuyển, đảm bảo tính thống nhất, linh hoạt trong quản lý, thực hiện nghiêm túc việc phân cấp về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý.

Đáng lưu ý, huyện đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho 14 đơn vị, 22 xã thị trấn, 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp… tiết kiệm do thực hiện khoán chi, giao quyền tự chủ đạt hơn 124 tỷ đồng; thực hiện tốt phân cấp, ủy quyền tại địa phương, đã bàn giao đưa vào sử dụng 283 dự án theo hình thức này, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện.

Nêu khó khăn, huyện Gia Lâm cũng cho rằng, hiện có 81 thủ tục hành chính có quyết định uỷ quyền thực hiện tại cấp huyện, 10 thủ tục hành chính có quyết định uỷ quyền thực hiện tại cấp xã. Hầu hết các thủ tục hành chính được uỷ quyền chưa có quyết định ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính của UBND thành phố để cấp huyện và cấp xã áp dụng thực hiện; gây khó khăn, lúng túng cho huyện và cơ sở trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được uỷ quyền.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, huyện Gia Lâm là đơn vị triển khai tốt công tác chuyển đổi số bằng bằng văn bản khi có hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, đưa ra mô hình hay, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở.

Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo huyện Gia Lâm tiếp tục phân cấp uỷ quyền; khai thác đầy đủ, cập nhật nội dung mới, chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, người dân trong CCHC. Nhất là việc thực hiện đề án từ huyện lên quận, huyện Gia Lâm cần rà soát toàn bộ công tác CCHC từ quận đến các xã, thị trấn, đánh giá kỹ, thực chất công việc; nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đạo đức công vụ.

Đề xuất sát thực tiễn để chuyển đổi số là khâu đột phá của Hà Nội - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà đã thực hiện giám sát tại quận Đống Đa - Ảnh: VGP/GH

Quận Đống Đa: Triển khai TTHC "không chờ" tại 21 phường

Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND Trịnh Hữu Tuấn cho biết, hiện nay, 100% bộ phận Một cửa của 21 phường triển khai thủ tục hành chính "không chờ". Trong các năm 2021-2023, tỷ lệ hồ sơ được quận và phường giải quyết đúng hạn và trước hạn đều đạt 100%.

Quận Đống Đa cũng tiếp tục duy trì, phát triển các cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn bộ người dân trên địa bàn kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư, kết nối cung cấp thông tin với bảo hiểm xã hội Thành phố, các sở, ngành để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế... 

Về công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đối số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, quận tiếp tục triển khai, duy trì, đảm bảo hạ tầng đường truyền WAN, mạng internet cho các phòng, ban và UBND các phường thuộc quận. 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn quận đã được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh phục vụ trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cấp quận kết nối đến Trung tâm dữ liệu của Thành phố.

Quận cũng khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố, 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên phần mềm dùng chung 3 cấp của Thành phố, công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ để công dân, tổ chức theo dõi, kiểm soát quá trình giải quyết của cơ quan nhà nước. 

Để việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đạt hiệu quả, UBND quận Đống Đa kiến nghị Thành phố xem xét ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến (như miễn, giảm phí lệ phí, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt...); Tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các đơn vị; Nghiên cứu phát triển ứng dụng mobile để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên thiết di động; 

Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực của quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cũng chỉ rõ những tồn tại của quận như: Chỉ số cải cách hành chính bị giảm; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hình thành nền tảng thống nhất... 

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đề nghị quận cần vào cuộc để rà soát chỉ tiêu, đồng hành cùng UBND để xác định rõ tồn tại, bàn giải pháp tối ưu, quyết liệt khắc phục những hạn chế nêu trên. Đề nghị quận xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, có biện pháp mạnh mẽ để tạo bước tiến, xứng tầm với vị thế là quận lõi của Thủ đô; tăng cường tuyên truyền triển khai thực hiện, về đích sớm hơn các địa bàn khác. Bên cạnh đó, quận cần tiếp tục đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. 

 Với các kiến nghị của quận, Đoàn giám sát cũng ghi nhận kiến nghị của UBND quận và cho biết, Thành phố sẽ nghiên cứu, xem xét để ban hành cơ chế phù hợp.

Gia Huy

Top