Đích đến của nông thôn mới là xây dựng những miền quê đáng sống

21/10/2022 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay kinh tế nông thôn Hà Nội đã phát triển tích cực, đời sống bà con nông dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Có thể thấy, các vùng quê đã thực sự "tha da đổi thịt" với nếp sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi hồn cốt vốn có, đưa nông thôn Thủ đô ngày càng trở thành những miền quê đáng sống.

Đích đến của nông thôn mới là xây dựng những miền quê đáng sống - Ảnh 1.

Đường giao thông nội đồng của xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ được bê tông hóa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong gần 15 năm qua, với sự chỉ đạo quan tâm sát sao và đầu tư nguồn lực lớn, các huyện, thị xã đã đầu tư được 6.000km giao thông nông thôn; 1.470 trường học được xây mới, nâng cấp, cải tạo; hàng nghìn nhà văn hóa, trung tâm thể thao ở các thôn, làng được đầu tư khang trang.

Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân tại các vùng nông thôn đã thay đổi tích cực, thu nhập cũng được nâng cao. Hiện nay, hầu hết các làng quê của Hà Nội đều thực hiện việc cưới, việc tang văn minh như không ăn cỗ trong đám tang, giảm cỗ bàn trong đám cưới. Cơ sở hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng ngày càng được nâng lên, thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đạt hiệu quả thiết thực.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên kinh tế nông thôn phát triển, đời sống bà con nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2021 đã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Đến nay, hơn 90% người dân khu vực nông thôn đã tham gia đóng bảo hiểm y tế. Tính đến cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%.

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa rộng khắp các quận, huyện nên đã góp phần làm nên diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Không chỉ giữ vị trí đầu tàu ở chức năng đô thị của cả nước, Hà Nội còn phấn đấu phát triển vùng ngoại ô cũng phải thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước để nông thôn của Hà Nội trở thành miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh của đất trăm nghề, gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch nông thôn.

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới là "của dân, do dân và vì dân" nên trong suốt quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của Thành phố, các địa phương đã huy động được sự đóng góp không nhỏ của nhân dân. Với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy sức dân là chính, người dân vừa là chủ thể và là đối tượng thụ hưởng", vì vậy, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, công trình, hiện vật, ngày công, tiền của và tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như tại huyện Chương Mỹ, tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hơn 7.500 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp là hơn 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân đã đóng góp 98.000 ngày công lao động, hiến 2.300m2 đất thổ cư, 58ha đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Trong đó, xã Quảng Bị xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ "chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc". Do đó, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy đến nay diện mạo nông thôn của xã đã đổi thay rõ rệt với cơ sở hạ tầng giao thông liên thôn, xóm được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp thuận tiện cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Năm 2022, xã Quảng Bị đăng ký phấn đấu về đích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, xã xác định phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất bền vững theo hướng hàng hóa, chú trọng sản xuất hữu cơ; Tổng sản lượng lương thực đạt 5.000 tấn trở lên. Năng suất lúa bình quân 12 tấn/ha/năm. Bình quân lương thực 400 kg/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng/người/năm.

Hay tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa từ một vùng quê nghèo, nhiều khó khăn đã có bước chuyển mình với diện mạo khang trang. Từ những tuyến đường trục chính, đường liên xã và ngõ xóm đều được đầu tư, mở rộng. Theo chính quyền xã, năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã quan tâm, huy động hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, vận động nhân dân chuyển sang sản xuất đa canh lúa - cá - vịt. Đến nay, xã đã hình thành được 20 trang trại tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp tăng thu nhập, bà con nông dân cũng có nguồn lực đóng góp tích cực cho phòng trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đích đến của nông thôn mới là xây dựng những miền quê đáng sống - Ảnh 2.

Những cung đường liên xã khang trang, sạch đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với những kết quả nổi bật, toàn diện đã đạt được, năm 2022 Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, Hà Nội cũng phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển 5 huyện trở thành quận; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp.

Tập trung phát triển tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh. Đồng thời từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực.

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top