Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông

28/07/2023 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm hợp nhất (kể từ năm 2008 đến nay), từ khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới, đến nay Hà Nội đã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn. Một trong những lĩnh vực có nhiều đổi thay là cơ sở hạ tầng và những công trình giao thông của Thủ đô.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông   - Ảnh 1.

Nút giao thông giữa đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là nút giao thông hiện đại được đưa vào sử dụng đầu năm 2021. Ảnh: TTXVN

Nhiều cây cầu, tuyến đường mới được hình thành

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII "về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo giao thông đô thị. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Ngay sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được triển khai nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông...

Cùng với đó, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt; An Dương-Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường Tản Lĩnh-Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, TP. Hà Nội đã có 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (tổng cộng 111,32 km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58 km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46 km của 7 tuyến đường vành đai; 4 tuyến đường hướng tâm kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (Hồ Tây-Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi-Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai) cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông   - Ảnh 2.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính thức hợp long đoạn vượt sông Hồng vào cuối tháng 5/2023. Ảnh: VGP/DA

Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, đến nay đã có 9 cầu hoàn thiện, gồm: Cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. 6/18 cầu gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo đang hoàn thiện thủ tục để khởi công.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, cùng với các tỉnh liên quan, Hà Nội đã khởi công Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Hà Nội, dự án là cơ sở để thực hiện công tác Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên). Đồng thời, phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông   - Ảnh 3.

Nhiều công trình, tuyến đường mới được khởi công. Ảnh: VGP/DA

Thúc đẩy kết nối vùng

Về phát triển mạng lưới giao thông công cộng, sau khi hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, mạng lưới xe buýt Thủ đô tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa; hầu hết các tuyến buýt mới được kết nối với các huyện ngoại thành mở rộng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Điều tích cực nhất là việc mở mới thêm các tuyến buýt ngoại thành đã xóa "vùng trắng" xe buýt có trợ giá.

Tính đến nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour). Về hạ tầng, mạng lưới vận tải công cộng có 351 nhà chờ, 4.405 điểm dừng đỗ, 5 điểm trung chuyển và 127 điểm đầu cuối.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông   - Ảnh 4.

Xe buýt Thủ đô đã "phủ sóng" toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Đáng chú ý, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%;

Xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Quan trọng nhất, đến nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đã hình thành một mạng lưới đa phương thức, giúp hành khách tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngày một thuận lợi hơn.

Cần ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông

Chia sẻ với phóng viên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước chuyển hóa mới như hệ thống đường bộ, cầu vượt, giao thông công cộng hiện đại, cầu vượt qua sông Hồng phát triển; nhiều tuyến đường, ngõ nhỏ được cải tạo, chỉnh trang…

"Dù Thành phố đã có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển nhưng hiện mạng lưới đường giao thông Thủ đô vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, thời gian tới, Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giao thông công cộng khối lượng lớn; ưu tiên ngân sách, huy động các nguồn lực để gia tăng mạng lưới đường giao thông…", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét qua những công trình giao thông   - Ảnh 5.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành dự án Vành đai 4 trước năm 2027. Ảnh minh họa

Để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung  hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.

Thành phố cũng sẽ phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm phát triển giao thông đô thị; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; ưu tiên tập trung đầu tư các dự án đường sắt đô thị dứt điểm theo tuyến bảo đảm tính động bộ trên toàn tuyến và bảo đảm khớp nối với các loại hình vận tải hành khách công công khác, phát huy hiệu quả đầu tư với các tuyến đang triển khai…

Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của giao thông Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội; từ đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới.

Diệu Anh

Top