Điều chuyển luồng tuyến: Đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp
(Chinhphu.vn) - Do nhiều doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh vận tải vẫn còn phản đối chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh nên các cấp, ngành chức năng đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời ý kiến của các doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Linh |
Chiều 1/3, Bộ GTVT đã chủ trì và phối hợp với Sở GTVT Hà Nội tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đợt điều chuyển luồng tuyến vận tải ngày 2/1 vừa qua đã đạt kết quả tốt, gần 100% lượng xe đã được sắp xếp lại theo đúng quy hoạch và chủ trương của Thành phố theo hướng ưu tiên giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Vành đai 3 và các khu vực trong trung tâm Thành phố.
“Trước và trong suốt quá trình điều chuyển, kể cả đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp. Tất cả những kiến nghị của doanh nghiệp, Sở đã tiếp nhận và trả lời một cách minh bạch, rõ ràng”, ông Quang khẳng định.
Còn nhiều khó khăn sau điều chuyển
Tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp vận tải đều nêu ý kiến khó khăn sau hơn 2 tháng điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm như khi chuyển sang bến xe Nước Ngầm thì lượng khách đã giảm đáng kể; các xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc hoạt động tại khu vực bến xe Mỹ Đình ngày càng mạnh gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải chân chính;…
Đại diện doanh nghiệp Thái Bình cho biết, nhà xe gặp khó khăn khi bến không có khách, ở bến Nước Ngầm ngay Tết nguyên đán cũng không có khách, các nhà xe lỗ vốn, nguy cơ phá sản khi vẫn phải trả lương lái xe, trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải tỉnh Nam Định chia sẻ, Hiệp hội thống nhất chủ trương Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải để giảm ùn tắc, Sở GTVT Nam Định cũng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án chấp hành việc điều chuyển. Tuy nhiên, trong quá trình điều chuyển sang bến xe Nước Ngầm, các doanh nghiệp vận tải xét thấy việc điều chuyển này chưa hợp lý, gây khó khăn cho quá trình kinh doanh vận tải. “Một doanh nghiệp có 10 xe điều chuyển, tháng thứ nhất thua lỗ thua lỗ 350 triệu đồng, tháng thứ hai thua lỗ 250 triệu đồng. Với số lượng 250 xe bị điều chuyển sẽ gây thiệt hại lớn kinh tế trong tỉnh”, ông Thạc nói.
Đại diện doanh nghiệp vận tải ô tô Nghệ An kiến nghị, Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội tính toán sao để có khách về bến Nước Ngầm hoặc vẫn để doanh nghiệp tiếp tục vận hành tại bến xe Mỹ Đình để kinh doanh và phải “đuổi” được các xe dù, bến cóc để các xe khách chân chính hoạt động đúng chủ trương.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, việc điều chuyển là chủ trương giải quyết ùn tắc giao thông cho Thành phố. Đây là vấn đề lớn, không chỉ phục vụ cho nhân dân Hà Nội mà còn tạo động lực phát triển giao thông phía Bắc và cả nước.
Để giải quyết ùn tắc giao thông cho Hà Nội thì phải triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp, trong đó có việc quy hoạch, sắp xếp lại luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố nhằm hạn chế một số loại phương tiện trên những tuyến đường trọng điểm.
“Theo Quyết định 2288/QĐ-BGTVT thì việc điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh sẽ được thực hiện 6 tháng/lần, vào các thời điểm ngày 31/6 hoặc ngày 31/12, do đó thời điểm điều chuyển luồng tuyến vừa qua là hoàn toàn phù hợp với quy định”, ông Viện khẳng định.
“Khó khăn như các doanh nghiệp nói là vắng khách. Tuy nhiên, không phải chỉ bến xe Nước Ngầm vắng khách mà các bến khác cũng đều vắng khách. Nguyên nhân là do bây giờ có nhiều phương tiện đi lại để lựa chọn. Vận tải hành khách liên tỉnh cũng cần nâng cao năng lực, chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh”, ông Viện nhấn mạnh.
Đồng thời, vắng khách cũng là do khách chưa quen tuyến vì mới triển khai được 2 tháng. Trong khi trước đây khi doanh nghiệp vào Mỹ Đình phải mất 1-2 năm mới quen tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt kết nối với bến xe Nước Ngầm chưa đầy đủ; hiện tượng xe “dù”, bến “cóc” vẫn còn diễn biến phức tạp...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho hay, Bộ và Thành phố rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chuyển luồng tuyến, đặc biệt là tại bến xe Mỹ Đình là cần thiết, không thể không làm vì bến xe này đã quá tải từ lâu, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông khu vực và cả Thành phố. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải xử lý nhanh việc điều chuyển để hạn chế tối đa tình trạng ún ứ khách tại các bến xe, đặc biệt là bến Mỹ Đình.
“Nếu các doanh nghiệp đề xuất quay lại bến xe Mỹ Đình sẽ lại quay lại tình trạng bất cập như trước đây. Sẽ lại lộn xộn, ùn tắc bởi bến này chỉ có duy nhất đường Vành đai 3 để kết nối”, ông Trường nói.
Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thay mặt lãnh đạo Thành phố tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp. “Chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của doanh nghiệp và tất cả những ý kiến này sẽ được tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/3 tới”, ông Hùng nói.
Từ nay đến thời gian đó, Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý xe “dù” bến “cóc” dọc đường Vành đai 3 đến bến xe Nước Ngầm. Qua đó, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Công an Thành phố cần tổ chức tốt giao thông ở bến xe Nước Ngầm. Đồng thời, kiên quyết xử lý vấn đề hình thành bến “cóc”, bắt giữ những xe “dù” cố tình vi phạm.
Tổng Công ty vận tải Hà Nội triển khai tuyến buýt kết nối giữa 2 bến xe và giá vé vẫn như vé buýt nội thành. Thanh tra giao thông kiểm tra những vấn đề cần thiết xung quanh. Đề nghị các doanh nghiệp giám sát việc đó và trực tiếp báo cáo lại Thành phố.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch các bến xe, Thành phố đang kêu gọi đầu tư, phấn đấu trước năm 2019 sẽ có bến xe Yên Sở. Kiên quyết thực hiện mỗi tỉnh có một bến xe để tạo công bằng cho các tỉnh.
Thùy Linh