Điều dưỡng-Công việc đến từ trái tim

22/06/2022 3:09 PM

(Chinhphu.vn) - Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim. Trong sự phát triển của Y học hiện nay, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà họ chính là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh, biết đặt mình vào tâm trạng người bệnh. Một nghề nghiệp chuyên biệt, đến từ trái tim.

‘Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt' - Ảnh 1.

Đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông chăm sóc tận tình cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn Y tế Hà Nội, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tuy của chính những người điều dưỡng.

Bác Hồ đã từng dạy "Y tá chẳng những là một nghề mà còn là một nghĩa vụ, việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ cho dân tộc người y tá phải gảnh một phần phần quan trọng, y tá là những chiến sỹ đánh "giặc ốm" để bảo vệ sự tráng kiện của giống nòi, những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái và đức hy sinh". Chính vì vậy, vai trò của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân có ý nghĩa vô cùng lớn. Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng. Chỉ một sai sót nhỏ của điều dưỡng cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Cùng với điều dưỡng, đội ngũ kỹ thuật viên, những người lao động tại các khoa cận lâm sàng, hằng ngày, hằng giờ cũng đóng góp không nhỏ trong chẩn đoán, điều trị và công tác dự phòng. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các kỹ thuật viên luôn ứng dụng những thành tựu khoa học hiện đại nhằm giúp các bác sỹ chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời. Nhiều kết quả xét nghiệm y học được xem như "tiêu chuẩn vàng" đã giúp cho đội ngũ y, bác sỹ lâm sàng đưa ra những quyết định đúng đắn về bệnh tật, mang lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. 

Trong thời gian qua, đối với ngành Y tế Hà Nội, đội ngũ kỹ thuật viên đã đóng góp công sức không nhỏ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong công tác giám sát, phát hiện đối tượng có nguy cơ, giúp chẩn đoán xác định ca bệnh. Rất nhiều các kỹ thuật viên tại các khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của Trung tâm Y tế, những người "tuyến đầu" tiếp xúc với nguy cơ, vượt qua khó khăn của chính bản thân mình và gia đình, đi làm bất cứ thời gian nào, cứ có "lệnh" là lên đường, góp phần cũng toàn ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong hoạt động chuyên môn của ngành Y tế, vai trò của điều dưỡng, kỹ thuật viên và hộ sinh trong công tác khám, chữa bệnh là không thể thiếu, bởi ngoại trừ thời gian được các bác sĩ khám bệnh, kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh. Chăm sóc phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn như: Tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, đỡ đẻ, thực hiện các xét nghiệm... cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa. Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.

Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên là những người lao động trực tiếp, tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các yếu tố nguy cơ, rủi ro. Đây cũng là đội ngũ có thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ còn nhiều bắp cập, điều kiện làm việc, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, đội ngũ công nhân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên luôn cố gắng công tác, khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đầu vươn lên, đóng góp công sức của mình vào hoạt động chuyên môn của đơn vị, góp phần vào thành tựu chung của ngành Y tế.

Không ngừng nỗ lực, cống hiến

‘Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt' - Ảnh 2.

Các bác sĩ và điều dưỡng BV Bắc Thăng Long chăm sóc, theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong hai năm qua, đặc biệt là năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số ca F0 tăng cao, có ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca và lan rộng hầu hết trên tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Vì vậy đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nói chung và lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật viên là những người trực tiếp làm công tác truy vết, điều tra dịch tễ, phục vụ khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. 

Là những người có mặt tại những địa bàn nóng nhất của dịch bệnh, trực tiếp tiếp xúc với những ca F0, họ đã không quản ngại hiểm nguy, vượt qua những khó khăn, vất vả, thiếu thốn không kể ngày đêm lạc quan, bám địa bàn cùng với cả hệ thống chính trị từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh góp phần đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Trong thời khắc cam go của dịch COVID-19, hình ảnh những y bác sĩ, nhân viên y tế trong trang phục phòng, chống dịch giữa mùa hè nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, vết khẩu trang hằn lên khuôn mặt xuất hiện ở những vùng tâm dịch đã gây xúc động mạnh và để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Tiêu biểu như điều dưỡng Trần Thị Hồng, Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung - Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân. Trong năm 2021, phường Thanh Xuân Trung là một trong những điểm nóng của dịch COVID-19, chị đã cùng tập thể anh chị em y bác sĩ, nhân viên y tế của Trạm không kể ngày đêm tích cực làm công tác truy vết, điều tra dịch tễ, hướng dẫn nhân dân phòng dịch, tiêm vaccine cho người dân. 

Hay điều dưỡng Phạm Thị Hạnh, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đống Đa, là điều dưỡng làm việc tại Khoa Truyền nhiễm, đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân F0 từ ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát công việc hết sức vất vả, áp lực và nguy hiểm. Nhưng với lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc, với bệnh nhân chị đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để cùng tập thể khoa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn…

Còn rất nhiều nữa những điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh những người lao động trực tiếp đang lao động công tác trong các đơn vị của ngành Y tế Thủ đô dù bất kỳ ở vị trí công tác nào họ vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời còn tích cực đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo"…

Theo ngành Y tế Thủ đô, dự báo trong thời gian tới là năm ngành Y tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19, các đơn vị phải thực hiện tự chủ về tài chính, áp lực chuyên môn ngày càng cao. Bên cạnh đó các chế độ chính sách, điều kiện làm việc dành cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế dù đã được Đảng, Nhà nước và thành phố quan tâm nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của một bộ phận người lao động trong ngành Y tế. Từ đó đã ảnh hưởng tới tâm tư, nguyện vọng và đời sống của đội ngũ những người lao động trực tiếp của ngành Y tế.

Tuy nhiên, với tinh thần yêu nghề, tận tụy với công việc đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh trong toàn ngành luôn giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, Y đức, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, sáng tạo trong lao động, công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. 

Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào thi đua hướng tới những người lao động trực tiếp và tập thể nhỏ nhằm động viên, khuyến khích, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người lao động đối với công việc.

Thường xuyên tổ chức các hội thi theo ngành nghề, lĩnh vực công tác để đội ngũ những người lao động trực tiếp có cơ hội, điều kiện phát huy tài năng sáng tạo, rèn luyện tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử, chăm sóc phục vụ người bệnh.

Thiện Tâm

Top