Điều trị bệnh lao hiệu quả tại cộng đồng
(Chinhphu.vn) - Bệnh lao là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, để khống chế hiệu quả và giảm sự lây lan trong cộng đồng, việc phát hiện sớm và quản lý người mắc lao đóng vai trò hết sức quan trọng.
Tại huyện Thạch Thất, hiện Trung tâm Y tế Thạch Thất đang quản lý và điều trị 34 bệnh nhân trong đó 23 bệnh nhân lao phổi, 11 bệnh nhân là lao ngoài phổi ở 23/23 xã thị trấn. Để quản lý tốt bệnh nhân lao tại gia đình, Trung tâm Y tế huyện triển khai cho tất cả 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện phân công nhân viên chuyên trách và mạng lưới cộng tác viên phòng chống lao phủ khắp, thực hiện quản lý và theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Được sự hỗ trợ của chương trình Phòng chống lao Quốc gia Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất có nhiều lợi thế trong việc quản lý và điều trị cho bệnh nhân lao tại cộng đồng. Các phương tiện quản lý và thuốc đảm bảo số lượng, đạt yêu cầu cấp cho bệnh nhân lao điều trị tại nhà. Hầu hết bệnh nhân đều tuân thủ điều trị, đáp ứng được thuốc. Bên cạnh đó những năm gần đây nhờ được tuyên truyền nên nhiều bệnh nhân khi thấy biểu hiện khác thường đều đi khám, phát hiện điều trị kịp thời nên bệnh không tiến triển nặng. Bởi vậy những năm gần đây số bệnh nhân giảm rõ rệt.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Thanh, phụ trách chương trình chống lao xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, năm 2022 xã Phú Kim quản lý, theo dõi 8 bệnh nhân lao, cho đến nay đã có 6 bệnh nhân đã kết thúc điều trị, hiện còn 2 bệnh nhân đang điều trị tháng thứ 6 và 1 bệnh nhân đang điều trị tháng thứ 8. Hàng tháng, trạm y tế lĩnh thuốc tại trung tâm y tế huyện về phát thuốc cho bệnh nhân tại địa phương, khám theo dõi tác dụng phụ của thuốc để điều chỉnh và điều trị kịp thời, phù hợp với bệnh nhân. Đồng thời tuyên truyền để bệnh nhân có ý thức giữ vệ sinh tránh lây lan cho người thân và những người xung quanh. Tính đến nay, hầu hết số bệnh nhân đều đáp ứng được thuốc.
Theo anh Nguyễn Đức Thanh, xã Phú Kim, đầu tháng 1 năm 2022, anh Thanh thường cảm thấy mệt mỏi, ho kéo dài có đờm, sốt về chiều và đổ mồ hôi. Sau khi khám tại viện Phổi Hà Nội, anh Thanh được các bác sỹ cho biết đã mắc lao phổi. Điều trị ổn định một thời gian tại bệnh viện Phổi Hà nội, hiện anh Thanh chuyển về Trung tâm Y tế và trạm y tế để được quản lý, theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Cấn Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất cho biết, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để thanh toán bệnh lao, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là yếu tố then chốt. Bởi vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động đi khám khi có các triệu chứng của bệnh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng một vai trò rất quan trọng. Đáng mừng là hiện tại mạng lưới chống lao đã được củng cố ở tuyến, huyện, xã. Ngoài thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao, việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng đã được các tuyến phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.
Tại huyện Chương Mỹ, bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình (xã Tiên Phương) cho biết, khi có biểu hiện tức ngực, ho nhiều anh đã đi khám và được bác sĩ bệnh viện phổi Trung ương thông báo anh đã mắc bệnh lao phổi. Sau đó, anh được bệnh viện chuyển về địa phương để điều trị bệnh. Sau hơn 6 tháng điều trị, cùng sự tuân thủ việc uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đến nay anh đã khỏi bệnh.
Theo chị Nguyễn Thúy Hằng, kỹ thuật hạng 3- Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, thời gian qua, Trung tâm đã củng cố tổ chống lao, chuyển công tác phòng chống lao từ khoa kiểm soát bệnh tật về Phòng khám đa khoa Xuân Mai với đầy đủ trạng thiết bị máy móc phục vụ cho công tác khám, xét nghiệm, điều trị và tiếp nhận bệnh nhân lao từ tuyến trên chuyển về và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Ông Lê Doãn Mạnh, tổ trưởng Tổ chống lao, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ chia sẻ, để bảo đảm công tác phòng chống lao, cùng với việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân lao, hiện nay các đơn vị y tế chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lao thông qua nhiều hình thức để bà con chủ động phòng ngừa, nhiều bệnh nhân mắc lao được phát hiện sớm. Những trường hợp được chuyển về trung tâm y tế sẽ điều trị trong vòng 6 tháng. Nhân viên y tế sẽ khám, hướng dẫn việc dùng thuốc, giám sát việc dùng thuốc tại nhà của bệnh nhân, thăm hỏi tình hình sức khoẻ và các triệu chứng khi uống thuốc, giải thích, động viên bệnh nhân điều trị đúng phác đồ. Nhờ vậy đa số bệnh nhân đều có ý thức điều trị tốt, không có trường hợp nào bỏ trị.
Hiện Trung tâm đang quản lý và điều trị 110 bệnh nhân, trong đó 87 bệnh nhân lao phổi, 20 bệnh nhân lao ngoài phổi, 03 bệnh nhân lao tiểm ẩn.Trong 3 tháng đầu năm đã khám 414 bệnh nhân, xét nghiệm 103 bệnh nhân phát hiện 13 bệnh nhân tại phòng khám lao; thu nhận 27 bệnh nhân từ các tuyến chuyển về.
Để giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao cần tăng cường các biện pháp khám sàng lọc phát hiện, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng. Đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; các cơ quan, tổ chức, người bệnh, người nhà người bệnh tham gia tích cực tuyên truyền về bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh lao; người dân cũng cần nâng cao ý thức để cùng với ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh lao, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thiện Tâm