Phát hiện sớm bệnh lao, giảm thiểu rủi ro kép từ COVID-19
(Chinhphu.vn) - Người bị bệnh lao, phổi bị tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm, khi mắc COVID-19 sẽ nặng hơn so với người bình thường. Vậy việc phát hiện, điều trị bệnh lao sớm là hết sức quan trọng.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cho biết, để giảm thiểu tác động của COVID-19, phòng chống bệnh lao trong mùa dịch COVID-19, trước hết cần nâng cao ý thức của cộng đồng về bệnh lao, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao.
Theo bác sĩ Thường, tại cộng đồng người dân với tâm lý rất sợ COVID-19 nên không đi khám bệnh. Khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh lao cũng không dám đi khám. Ở các cơ sở điều trị người bệnh cũng vậy, do để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nên hạn chế việc thu dung.
Thực hiện chiến lược phòng chống bệnh lao đến năm 2030, trong đó có một nội dung rất quan trọng là làm sao đến năm 2030 có thể cơ bản chấm dứt được bệnh lao. Nhưng với sức ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19 đã làm cho tiến trình đó bị chậm lại khoảng 10 năm.
Từ năm 2021 đã thực hiện công tác phát hiện bệnh lao bằng chiến lược 2X- X quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (phát hiện vi khuẩn lao hoặc lao kháng thuốc nhanh chóng) trong chuẩn đoán lao. Thậm chí Xpert áp dụng trong cả sàng lọc virus SARS-CoV-2. Chiến lược này cho phép việc phát hiện bệnh lao được lồng ghép trong các hoạt động phòng, chống của COVID-19 nên bảo đảm an toàn.
Phát hiện chủ động phòng ngừa bệnh lao, tuân thủ triệt để phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh bình thường mới bác sĩ khuyến cáo người dân để phòng chống bệnh lao và COVID-19 cần đảm bảo tốt 5K, xác định chung sống với COVID-19.
Đồng thời sẵn sàng khám bệnh lao khi có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao như: Ho kéo dài hơn hai tuần, sốt nhẹ về chiều, ăn uống kém, mất ngủ, ra mồ hôi trộm về đêm, đau tức ngực… sau hai tuần điều trị kháng sinh (không phải kháng sinh điều trị lao) không thấy thuyên giảm.
Theo TS. Nguyễn Đình Tuấn, Bệnh viện Phổi Trung ương, để phòng chống bệnh lao có rất nhiều hoạt động trọng tâm trong mô hình phối hợp Phòng chống lao, lồng ghép trong hệ thống y tế chung. Trong đó cần củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với phòng chống COVID-19. Không trưng dụng toàn bộ bệnh viện chuyên khoa lao tỉnh/thành phố cho điều trị COVID-19, đẩy mạnh phát hiện chủ động, quản lý điều trị lao ở tuyến huyện, xã.
Bên cạnh đó cần phát huy ưu thế của các công cụ chẩn đoán hiện đại như Xpert Xpress virus SARS-CoV-2, hệ thống máy Truenat; vận động, huy động những bệnh viện ngoài chuyên khoa lao và bệnh phổi để điều trị COVID-19. Cùng với đó là việc điều chỉnh Kế hoạch chiến lược chấm dứt Bệnh lao đến năm 2030 trong bối cảnh ứng phó với COVID-19 và các bệnh dịch khác có thể xảy ra.
Mới đây, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường đã phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB). Đây là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao; giúp họ khắc phục rào cản kinh tế xã hội khiến họ không tuân thủ được theo phác đồ dẫn đến bỏ trị và nguy cơ kháng thuốc cao.
Quỹ có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Với mong muốn vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hoà nhập với cộng đồng, Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1.400 mở cổng nhắn tin ủng hộ.
Bắt đầu từ 00h ngày 22/3 đến 24h ngày 20/5, mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Tới hết tháng 12/2021, Quỹ đã hỗ trợ cho gần 3.000 lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng. Năm 2021, Quỹ đã phối hợp với Cổng 1400 tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người bệnh lao qua đầu số 1402, chương trình đã huy động được 43.000 tin nhắn tương đương 871 triệu đồng.
Thiện Tâm