Định hướng phát triển quận Long Biên gắn với phát triển Quy hoạch chung

11/12/2023 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Quận Long Biên được định hướng phát triển là đô thị trung tâm dịch vụ chất lượng cao hỗ trợ công nghiệp vùng phía Đông thủ đô Hà Nội, trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng, trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy...

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển theo chủ trương, đường lối của Đảng

Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, quận Long Biên thuộc chuỗi các đô thị phía Bắc sông Hồng khu vực Long Biên - Gia Lâm.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoach chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được duyệt, các quy hoạch phân khu, như: Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỉ lệ 1/2000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21-11-2014; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), tỉ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25-3-2022, Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6) tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND, ngày 25-3-2022... đến thời điểm này, quận Long Biên đã phủ kín bởi quy hoạch phân khu đô thị, diện tích đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 khoảng 2645,03ha chiếm 65,87%; trong đó, đã phê duyệt 236 đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc cùng 215 hồ sơ chỉ giới đường đỏ.

Định hướng phát triển quận Long Biên gắn với phát triển Quy hoạch chung- Ảnh 1.

Quận Long Biên đang triển khai 7 đồ án thiết kế đô thị tuyến đường; 21 đồ án quy hoạch tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết Ảnh minh họa

Quận cũng đang triển khai 7 đồ án thiết kế đô thị tuyến đường; 21 đồ án quy hoạch tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết; 4 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu N10; 1 đề án; 21 tuyến chỉ giới đường đỏ.

Quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP, ngày 6-11-2003, của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004. Quận có diện tích 6.038ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Hiện nay, dân số trên địa bàn quận Long Biên là 347.700 người (tăng 1,6 lần so với thời điểm thành lập).

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy dân chủ quận Long Biên đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của thành phố; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương; đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quận Long Biên từng bước hướng tới đô thị, văn minh, hiện đại.

Quận Long Biên xác định quan điểm, định hướng phát triển xuyên suốt của quận, đó là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. 

Chủ động trong công tác quy hoạch; tập trung phát triển nhanh về hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, làm cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn minh đô thị.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Trong thời gian qua, quận Long Biên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, đạt được kết quả rõ nét.

Một là, duy trì tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (từ 15-21%/năm) bảo đảm ổn định, bền vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm, dự kiến năm 2025 là 107 triệu/người/năm.

Hai là, cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng.

Ba là, thu ngân sách hằng năm của quận đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển trên địa bàn. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh với 10.152 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so năm 2004 (647 doanh nghiệp) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.

Về hạ tầng kỹ thuật, cơ bản quận đã đồng bộ và hiện đại cũng như tăng cường công tác quản lý về đất đai, môi trường và duy trì văn minh đô thị. Tính đến năm 2022, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị; Quận đã triển khai 64 dự án từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố với tổng kinh phí 6.850 tỷ đồng; 928 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 8.820 tỷ đồng. Ứng vốn ngân sách quận thực hiện 27 dự án thuộc nhiệm vụ chi thành phố 3.829 tỷ đồng. Tạo điều kiện 157 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân luôn được coi trọng, cải thiện: Tỉ lệ cây xanh, hồ nước 8,5m2/người; 100% dân cư được sử dụng nước sạch; tỉ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày 100%; tỉ lệ chiếu sáng các tuyến đường, ngõ có mặt cắt trên 2m đạt 100%; tỉ lệ công trình xây dựng có giấy phép đạt trên 99%; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp GCN quyền sử dụng.

Giai đoạn 2021-2025, quận Long Biên quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 2-3-2022, của Thành ủy và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/QU của Quận ủy về quản lý đất đai; đặc biệt chú trọng tới khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện xử lý, khắc phục vi phạm về đất đai theo 2 kết luận thanh tra số 4415/KL-STNMT-TTr và số 316/KL-STNMT-TTr của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều chỉnh quy hoạch để xây dựng quận Long Biên thành quận đáng sống

Từ một vùng đất còn kém phát triển phía Đông Bắc Hà Nội nhưng quận Long Biên đang dẫn đầu thành phố về quy hoạch, quản lý đô thị, cải cách hành chính; nơi "xuất khẩu" nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo để thành phố và Trung ương triển khai ra diện rộng. Tuy nhiên, trong công tác quy hoạch, quận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, điển hình là việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, chỉ giới đường đỏ: Tuyến đường Nguyễn Văn Linh đi qua địa bàn quận Long Biên là tuyến đường cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, nối Quốc lộ 5 đi các tỉnh lân cận. Phía Đông Bắc tuyến đường chủ yếu là nhà dân và một số cơ quan đơn vị, phía Tây Nam tuyến đường giáp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải phòng.

Theo Quy hoạch chung huyện Gia Lâm tỉ lệ 1/5000 đã được phê duyệt năm 1996 và các đồ án Quy hoạch chung Thủ đô năm 1998; Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 quận Long Biên năm 2005; Quy hoạch phân khu đô thị N10 năm 2014 và chỉ giới đường đỏ tuyến đường Nguyên Văn Linh tỉ lệ 1/500 đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2011 thì tuyến đường Nguyễn Văn Linh được quy hoạch là tuyến đường chính Thành phố với quy mô mặt cắt ngang là 60m (mở rộng thêm 25m về phía Tây Nam tuyến đường).

Do nằm trong vùng bị quy hoạch mở đường chỉ được cấp giấy phép có thời hạn không được đầu tư xây dựng ổn định lâu dài, nên hơn 22 năm qua, các công trình xây dựng trong phạm vi dự kiến mở rộng đường chỉ là các công trình tạm, công trình cũ không được cải tạo, sửa chữa.

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Linh theo quy hoạch với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, chi phí đầu tư cao sẽ là không khả thi trong bối cảnh hiện nay, do vậy để hạn chế công tác giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư, tạo ổn định cho nhân dân đã sinh sống ổn định lâu dài trong phạm vi mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, UBND quận Long Biên kính đề nghị UBND Thành phố có giải pháp điều chỉnh cơ cấu mặt cắt ngang tuyến đường Nguyễn Văn Linh.

Thứ hai, thực hiện theo Quy hoạch phân khu đô thị N10, UBND quận Long Biên gặp một số vướng mắc khi triển khai, UBND quận tổng hợp các bật cập cụ thể theo các nhóm vấn đề cụ thể như sau:

Về mạng lưới trường học trên địa bàn quận: Điều chỉnh chỉ tiêu: Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân khu N10 đối với các chỉ tiêu quy hoạch của các trường học trên địa bàn quận. UBND quận đã có Tờ trình gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh; Điều chỉnh chức năng sử dụng: đề xuất điều chỉnh 7 điểm trường phù hợp với hiện trạng sử dụng đất; Hoán đổi các điểm trường: Đề xuất hoán đổi các điểm trường có diện tích <2.000m² sang chức năng khác phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N10; Các trường học có hiện trạng sử dụng đất là đất nghĩa trang: đề xuất điều chỉnh các điểm trường có hiện trạng sử dụng đất là đất nghĩa trang, đề xuất hoán đổi với ô đất cây xanh đảm bảo chỉ tiêu hạ tầng xã hội.

Về việc quy hoạch các chung cư cũ, một số nhà chung cư theo Quy hoạch phân khu có chức năng không phù hợp, như: có chức năng đất cơ quan, đất trường mầm non, đất công cộng thành phố, đất làng xóm (quy hoạch chiều cao 3-5 tầng) chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp không bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư, đề nghị cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu đối với các khu chung cư cũ có chức năng quy hoạch không phù hợp và hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Về các điểm bất cập nhỏ lẻ, khu đất đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bố trí tái định cư nhưng trên Quy hoạch phân khu đô thị N10 thể hiện đất cây xanh; Đất ở có nguồn gốc là đất cơ sở sản xuất, cơ quan, an ninh quốc phòng trong giai đoạn trước một số đơn vị đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên đã xây dựng nhà ở...

Quy hoạch khu vực hành lang sông Hồng, sông Đuống để bảo đảm an sinh

Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18-2-2016, của Thủ tướng Chính phủ, khu vực ngoài bãi được phép xây dựng mới công trình có diện tích đất ở khoảng 133,77ha với số dân đang sinh sống khoảng 19.010 người; Khu vực cần di dời dân cư chỉ được phép cải tạo, sửa chữa nguyên trạng có diện tích đất ở khoảng 91ha với số dân đang sinh sống khoảng 12.030 người, khu vực này đa số các thửa đất có diện tích lớn, công trình xây dựng đã lâu xuống cấp sập xệ, phần lớn quy mô công trình là 1 tầng, ít có công trình quy mô từ 2 tầng đến 4 tầng, diện tích xây dựng nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu ở trong gia đình nhiều thế hệ con cháu dẫn đến nhu cầu xây dựng lớn và rất cấp thiết. UBND quận Long Biên kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc xem xét đối với khu vực dân cư này để bảo đảm cuộc sống người dân.

Căn cứ Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18-2-2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình quy định các khu vực dân cư ngoài bãi được phép tồn tại và các khu vực phải di dời theo đó khu vực ngoài bãi quận Long Biên cần đặc biệt quan tâm với diện tích đất ở khoảng 133,77ha, số dân đang sinh sống khoảng 19.010 người.

Khu vực cần di dời dân cư có diện tích đất ở khoảng 91ha với số dân đang sinh sống khoảng 12.030 người. Tại đây quy định không được xây dựng các công trình, do vậy nhiều công trình nhà ở của các hộ gia đình đang sinh sống xuống cấp đã lâu có nguy cơ sụp đổ đẫn đến không bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình trong mùa mưa bão.

Với những đặc điểm trên, quận Long Biên đề xuất một số giải pháp để bổ sung trong quá trình lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đối với quận Long Biên.

Cụ thể, bổ sung vào quy hoạch các điểm tái định cư đối với các hộ dân nằm trong khu vực phải di dời để bảo đảm an sinh cho nhân dân và tính khả thi khi thực hiện theo quy hoạch.

Đối với các khu vực dân cư ngoài bãi được phép tồn tại cần nghiên cứu thiết kế hệ thống tiêu thoát nước hợp lý, kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thủy lợi để đề xuất các công trình đầu mối nhằm phòng chống thiên tai hiệu quả và kết hợp phương án tiêu cho đô thị với thủy lợi, đồng thời có các hình thức cảnh báo về khu vực sạt lở, xói mòn,... để sớm có phương án xử lý.

Thùy Chi

Top