Đô thị Hà Nội hiện đại đang chuyển mình phát triển toàn diện
(Chinhphu.vn) - Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ để phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Chỉ trong vòng vài năm, nhiều hạ tầng, dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại, đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.
Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để Hà Nội trở thành thành phố thông minh
Thành phố Hà Nội đã đặt ra hàng loạt mục tiêu về phát triển bền vững đô thị, trong đó có những chỉ tiêu về xây dựng đô thị thông minh, đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện khát vọng phát triển, khẳng định vị thế Thủ đô trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, quán triệt theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Quốc hội khoá XII, gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội đã phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi lớn lao từ tầm vóc, diện mạo, quy mô đến nhịp độ cuộc sống.
Chỉ trong vòng vài năm, nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại như: Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Vinhomes Smart City... về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park, Vin 2... về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda... về phía Nam; Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn... ở phía Bắc, đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.
Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.
Cùng với việc đồng bộ hóa hạ tầng đô thị trong khu vực nội đô, Thành phố cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, triển khai Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn Outlet, kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.
Song song với các khu đô thị, nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân cũng mọc lên, như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Big C, Trung tâm mua sắm Aeon Mall, Thiên đường Bảo Sơn…
Nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô
Để có thêm những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng, từng bước đưa vào các không gian, tuyến phố đi bộ: Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, Công viên Thống Nhất; Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây... Việc đưa vào hoạt động các không gian, tuyến phố đi bộ được các chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá cao khi Hà Nội đang thiếu hụt điểm vui chơi sau quá trình tập trung phát triển các dự án nhà ở... Trong đó, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đoạt giải xuất sắc Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất do Hội Quy hoạch đô thị phát triển đô thị Việt Nam tổ chức năm 2019.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã và đang tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian, cảnh quan xanh.
Thành phố cũng tiếp tục triển khai 4 dự án nước sạch, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hạ tầng thoát nước được đầu tư, góp phần hạn chế úng ngập cục bộ kéo dài và đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp...
Hướng tới xây dựng thành phố "không dây" an toàn, văn minh, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi. Theo đó, hàng loạt "mạng nhện" gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được thanh thải, xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được "xóa rác trời", thực hiện chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng cây xanh... mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.
Thành phố cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
Thành phố cũng sẽ đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô; phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Bên cạnh đó, nỗ lực khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử; nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Kỳ vọng tạo đột phá bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới
Để sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đô thị, tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Một số chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đô thị cũng được đặt ra, như đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; đến năm 2030, có 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030 cũng định hướng phát triển Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Các nội dung đề xuất, phương án phát triển trong Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình phát triển đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra trong quá trình nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch, Quy hoạch Thủ đô đã xác định được 4 khâu đột phá phát triển bao gồm: Thể chế và quản trị; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch Thủ đô đồng thời xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; nhiệm vụ về giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; nhiệm vụ về kinh tế; nhiệm vụ về văn hóa xã hội; nhiệm vụ về an ninh, an toàn; nhiệm vụ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô chú trọng đến việc tổ chức không gian phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn. Trong đó, cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực - 5 vùng kinh tế - xã hội - 5 vùng đô thị. Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Không gian đô thị sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Mô hình thành phố trong Thủ đô được xây dựng với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô.
Để cụ thể hóa các yêu cầu này, tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đơn vị tư vấn đã đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô, cụ thể là áp dụng mô hình "Thành phố trong Thủ đô" để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp yêu cầu phát triển.
Với định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy, Hà Nội dự định bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch (du thuyền trên sông) hành trình văn hóa di sản từ Đền Hùng - Sơn Tây - Hoàng Thành - Cổ Loa - Phố Hiến. Cùng với đó, tại khu vực này, Thành phố nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị vệ tinh, thành phố lân cận. Đây là khu vực cửa ngõ logistic phía đông kết nối các tỉnh, thành phố ven biển; nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh, tăng cường tiện ích đô thị.
Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù "khu phố kiến trúc kiểu Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Thành phố bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như: trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, Trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền, Trục thương mại - dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp tiềm năng kinh tế năng động sẵn có. Thành phố ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực đô thị trung tâm như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng.
Có thể nói, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm 7 chương, 54 điều, với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng các đồ án quy hoạch lớn của Thành phố đang được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phân định khu vực bảo tồn đúng nghĩa, bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Các khu vực còn lại sẽ được áp dụng mô hình đầu tư cải tạo theo hướng đô thị hiện đại, không để hiện trạng cải tạo, cơi nới tự phát; người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn như hiện nay.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Sở đang chú trọng các hoạt động, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố...
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, chỉ tiêu của Hà Nội phù hợp với định hướng phát triển đô thị chung của cả nước, đồng thời thể hiện khát vọng của Thủ đô trong triển khai các dự án lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Với thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế, các tính năng của đô thị phải được xác định nổi bật, như đô thị thương mại dịch vụ, đô thị sân bay hay đô thị đại học… Từng thương hiệu đô thị sẽ phát huy giá trị, làm nổi bật vị thế, vai trò của Thủ đô.
Với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của quốc gia.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Có thể nói, các chương trình cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị Hà Nội thực hiện thời gian qua đang từng bước tăng tính hấp dẫn cho Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững.
Năm 2024, thành phố Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, nhằm hoạch định vóc dáng Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thùy Chi