Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Nhìn từ góc độ phát triển đô thị
(Chinhphu.vn) - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để nhận diện phát triển đô thị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải nhận diện đồng bộ từng đô thị (theo phân loại) và mối quan hệ trong hệ thống thuộc tổ chức chính quyền địa phương.
Tập trung chiến lược để phát triển đô thị văn minh, thông minh, sáng tạo
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các bước để hoàn chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là việc làm rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Cho ý kiến về xây dựng Quy hoạch chung, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, thành phố Hà Nội đang tập trung định hướng phát triển đô thị bền vững, hướng đến phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thân thiện, đô thị văn minh, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo... Thành phố Hà Nội có định hướng phát triển, mục tiêu xây dựng Thủ đô nói chung, song cần xác định mục tiêu của từng loại đô thị trong hệ thống đô thị của Thủ đô. Trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, không chỉ cần xác định mục tiêu chung mà còn cần xác định phân kỳ và phân vùng, tổ chức không gian phát triển.
Để thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ với nội dung xác định cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung cụ thể, phương pháp triển khai... Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến nhận thức về quy hoạch, về định hướng phát triển cho cả hệ thống đô thị trong Thủ đô.
Hiện nay, thành phố đang triển khai song hành, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 và nhiệm vụ lập quy hoạch (theo Quyết định số 313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô. Quá trình phát triển vừa qua đạt được nhiều kết quả, song cũng bộc bộ một số hạn chế, thách thức liên quan đến quy hoạch chung.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hạn chế, thách thức thứ nhất là vấn đề về quy hoạch. Trong giai đoạn vừa qua, các quy hoạch và kế hoạch vẫn chưa được xác lập đồng bộ nên có hiện tượng phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải. Có thể thấy rõ là nhiều dự án khu đô thị mới chậm triển khai (do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan). Không gian đô thị chưa hài hòa giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị.
Thứ hai là về mối liên kết vùng: Với vị thế là thủ đô, thành phố Hà Nội không chỉ xây dựng, phát triển để trở thành đô thị đặc biệt, tiêu biểu cho cả nước mà còn có vai trò với vùng, bao gồm cả vùng Thủ đô (10 tỉnh, thành), vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (7 tỉnh), vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh).
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong mối quan hệ này, không chỉ cần thành phố Hà Nội chủ động, hỗ trợ các tỉnh mà còn cần các tỉnh tạo điều kiện để thành phố Hà Nội phát triển. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều lần xác định quy hoạch vùng, song mối quan hệ vùng vẫn còn nhiều thách thức về quản lý liên kết, về hợp tác cùng phát triển. Do đó, để tạo được hiệu quả, cần có sự đổi mới về quản lý vùng, mà trước hết là xây dựng các đầu mối, "cửa ngõ" của thành phố Hà Nội với vùng và với cả nước.
Thứ ba là về phát triển Thủ đô luôn gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống quy hoạch, phát triển đô thị quốc gia: Nhìn lại cả chặng đường vừa qua có thể thấy, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội luôn có mối quan hệ với chiến lược, định hướng, luận chứng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Gần đây, theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, đều tác động đến quy hoạch Thủ đô, song đang triển khai chậm so với kế hoạch. Khó khăn này đã được Quốc hội có định hướng khắc phục (Nghị quyết số 61/2022/QH15), nên rất cần thành phố Hà Nội có sự chủ động trong lập quy hoạch Thủ đô. Việc thành phố Hà Nội đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chung, song đồng hành như thế nào để có hiệu quả, hiệu lực là vấn đề cần được quan tâm, đề cập ngay từ tổ chức thực hiện quy hoạch Thủ đô đang nghiên cứu.
Thứ tư là về tính thống nhất, liên kết trong hệ thống quy hoạch Thủ đô: Hiện còn tồn tại bất cập trong quản lý, thẩm định, thực hiện quy hoạch, chưa đồng bộ, gắn kết, thống nhất, còn có biểu hiện cục bộ, lợi ích ngành. Riêng về điều chỉnh cục bộ cả trong quy hoạch chung và quy hoạch ngành, đây là nội dung được xác định trong cơ chế, chính sách, song vẫn còn hạn chế là quy trình điều chỉnh chưa chặt chẽ. Do đó, trong giai đoạn tới, ngoài việc xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch chung được phê duyệt, cần có sự đổi mới trong quản lý, thẩm định các quy hoạch cụ thể, quy hoạch ngành.
Để Hà Nội hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm với các nước phát triển
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần chú trọng một số nội dung cần quan tâm trong lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ nhất là cấu trúc, mô hình phát triển không gian đô thị. Trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái... Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhất là về các đô thị vệ tinh. Từ thực tiễn đó, đã có nhiều ý kiến chưa thống nhất về mô hình phát triển. Trong Nghị quyết số 15/NQ-TW, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 8 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó về nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ: "Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...".
Để thực hiện định hướng này, cần tuyên truyền, phổ biến để thống nhất nhận thức, từ đó có lộ trình phù hợp. Với thành phố Hà Nội, đây là mô hình có đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao..., nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.
Nhìn xa hơn nữa, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa. Do đó, Hà Nội cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh: Đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn.
Ngoài 5 đô thị vệ tinh nói trên, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới..., góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị.
Quá trình phát triển hệ thống đô thị của thành phố Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để thành phố hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm thủ đô của các nước phát triển trong khu vực.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhận thức đúng về mô hình chùm đô thị, nhất là 5 đô thị vệ tinh để kế thừa, định hướng phát triển trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới gắn với mô hình chính quyền địa phương là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, từ những hạn chế tồn tại thời gian qua, nên rà soát lại quy mô, khả năng kết nối và nguồn lực cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để quy hoạch mới có tính thực tiễn.
Thứ hai, cần quan tâm đến dự báo và phân bố dân số. Tính toán dân số, phân bố dân số trong quy hoạch cần phải được xem xét, phân tích từ dự báo phát triển ngành, lĩnh vực, từ mô hình tổ chức không gian đô thị, từ đặc thù cơ cấu giới tính, độ tuổi, tỉ suất sinh - chết, tỉ lệ di cư... Và điều quan trọng, là để nâng tầm vị thế Thủ đô, bảo tồn quỹ di sản đô thị, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống Thăng Long - Hà Nội, hạn chế các tiêu cực từ xu thế phát triển của thế giới không phù hợp với đặc thù Thủ đô. Đây là nhiệm vụ khó khăn cho nghiên cứu lập quy hoạch Thủ đô, trong lựa chọn để quản lý, thẩm định và phê duyệt quy hoạch Thủ đô.
Thứ ba, quan tâm đến phân vùng phát triển và khu chức năng. Quy hoạch chung Thủ đô lập lần này trên cơ sở áp dụng Luật Quy hoạch năm 2017 và nhất là các định hướng từ Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW về phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 và nhiều nghị quyết có liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19-NQ/TW), về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nghị quyết số 27/NQ-TW), về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030, một số quy hoạch quốc gia đã ban hành... Do đó, cần được cập nhật để xác định về phân vùng, tạo thuận lợi cho lập các quy hoạch cụ thể tiếp theo.
Trong bối cảnh như trên, nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 quan điểm, 6 nguyên tắc..., trong đó có yêu cầu về bảo đảm tính liên kết, thống nhất, tăng cường liên kết vùng, xác định cụ thể các khu vực đã sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh cấp thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Việc phân vùng phát triển, phân khu chức năng còn gắn với các trục không gian xanh, không gian công cộng, khu vực bảo tồn, phát triển không gian ngầm, cảnh quan nông thôn...
Với những yêu cầu trên, cần rà soát cụ thể hơn về định hướng phát triển đô thị, phát triển nông thôn, chú trọng tới đổi mới xây dựng nông thôn mới theo xu hướng nông thôn đô thị đặc biệt. Đây là yêu cầu đổi mới trong quy hoạch lần này nên không chỉ cần nghiên cứu nghiêm túc, diễn đạt rõ trong thuyết minh và nhất là thể hiện khoanh vùng trong các bản vẽ để có chất lượng, còn cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư của thành phố Hà Nội, của cả nước.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, vừa qua, đơn vị tổ chức lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã có một số nghiên cứu về chuyên ngành, về một số địa phương, qua đó cho thấy còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, công tác thẩm định quy hoạch để trình duyệt cần được tổ chức linh hoạt, đa dạng.
Thứ tư là quan tâm đến mô hình đô thị và chính quyền địa phương. Thành phố Hà Nội đang thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Nhà nước cũng đang rà soát tiêu chí các đơn vị xã, phường, quận và thành phố trực thuộc Thủ đô (được xác định theo Nghị quyết điều chỉnh tiêu chí). Các đô thị vệ tinh sẽ được xác định loại hình chính quyền địa phương phù hợp theo tiêu chí gắn với 6 loại đô thị. Trong bối cảnh này, khi lập quy hoạch cũng cần xem xét, đề xuất cho phù hợp. Đây là vấn đề cần có sự trao đổi khoa học để tạo thuận lợi cho quản lý đô thị theo định hướng từ quy hoạch chung lần này.
Có thể nói, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn mới về công tác quy hoạch, nên có nhiều thách thức từ nghiên cứu, từ nội dung quy hoạch và từ cả thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ. Hơn nữa, quá trình này lại được triển khai trong giai đoạn vừa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nên thách thức là rất lớn. Hy vọng với sự quyết tâm của thành phố và việc tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tiễn, với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.
Thùy Chi