Tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử trong xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội

05/12/2023 2:20 PM

(Chinhphu.vn) - Là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, với Hà Nội, văn hóa,lịch sử là yếu tố cốt lõi cần nhấn mạnh khi xây dựng quy hoạch thành phố.

Coi văn hóa và con người là trung tâm của quy hoạch phát triển Thủ đô

Thủ đô Hà Nội là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước". Vì vậy, vấn đề lập quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng và định hình cho sự phát triển của thành phố.

Tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử trong xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội- Ảnh 1.

Hà Nội đang nỗ lực phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, hội nhập và tỏa sáng, xứng đáng là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của đất nước. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nghị quyết số 15 NQ/TƯ, của Bộ Chính trị khóa XIII "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã ghi rõ: "Thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển".

Nghị quyết đã nhấn mạnh: "Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô".

Như vậy, quán triệt những quan điểm này trong xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một vấn đề lớn, cần có sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch của các khu vực khác nhau ở Thủ đô Hà Nội.

Một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa mà Đảng ta đã nhấn mạnh là: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển. Bốn trụ cột để bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội là kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Văn hóa và con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội chứ không phải là phần phụ, phần minh họa, phần chiếu cố trong quy hoạch.

Một trong những mục tiêu của công tác quy hoạch là phải thể hiện rõ vai trò của văn hóa, của con người, đặc biệt là phát huy được các giá trị văn hóa, và sức sáng tạo của con người Thủ đô, phát huy được các nguồn lực văn hóa của Hà Nội để phát triển nhanh và bền vững, khẳng định tầm vóc, bản sắc và bản lĩnh của văn hóa và con người Thủ đô trong phát triển và hội nhập quốc tế.

Thách thức đối với xây dựng quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện nay

Hà Nội đã trải qua một tốc độ tăng trưởng dân số nhanh và sự phát triển kinh tế nhanh chóng, dẫn đến áp lực lớn về hạ tầng và quy hoạch đô thị. Dân số Hà Nội năm 2020 khoảng 8,3 triệu dân, năm 2021 khoảng 8,34 triệu dân, năm 2022 khoảng 8,4 triệu dân. Đó là chưa kể số người vãng lai, lên làm ăn, sinh sống ở Hà Nội. Các khu vực mới được phát triển xuất hiên quá nhanh nên việc quản lý đô thị đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông là một vấn nạn nan giải của Hà Nội. Các biện pháp để giảm ùn tắc gồm cải thiện hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích việc sử dụng phương tiện công cộng chưa phát huy được hiệu quả cụ thể. Vấn nạn này chỉ được giải quyết khi Hà Nội có quy hoạch đô thị khoa học, bố trí hợp lý các khu trung tâm và khu đô thị ngoại vi, khu đô thị hành chính và khu đô thị thương mại, dịch vụ, khu đại học và khu công nghệ cao, khu cư dân và các trường học, bệnh viện…

Về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, Hà Nội có nhiều di tích văn hóa quan trọng. Do đó, việc phát triển đô thị phải bảo đảm bảo tồn và bảo vệ những di sản này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch văn hóa. Hiện nay, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức như tình trạng xuống cấp, di sản văn hóa thiếu các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo; tình trạng di sản bị xâm chiếm, tình trạng di sản bị khai thác quá mức và làm biến dạng di sản... Việc xây dựng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới phải góp phần giải quyết những thách thức này,tạo điều kiện cho văn hóa Thủ đô phát triển.

Về quy hoạch xanh và bền vững. Hiện Thành phố đang nỗ lực trong việc xây dựng các khu vực xanh và tạo ra không gian mở, công viên, và cây xanh để cải thiện chất lượng môi trường sống và giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với phát triển các khu đô thị mới. Hà Nội đang xem xét việc phát triển các khu đô thị mới để giảm áp lực đô thị trung tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tốc độ phát triển các đô thị mới ở Hà Nội trong thời gian tới sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Riêng ở quận Hà Đông gần đây đã có trên 20 khu đô thị mới được hình thành. Trên địa bàn toàn thành phố có hàng trăm khu đô thị mới đã và đang được xây dựng. Sự phát triển các khu đô thị mới tạo nên áp lực mới đối với công tác quản lý đô thị ở Thủ đô trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng.

Để Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của đất nước

Để tích hợp các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô Hà Nội vào quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại, bền vững và thông minh, PGS. TS. Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trước tiên cần phải bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa. Các di tích lịch sử và kiến trúc truyền được bảo tồn và phục hồi một cách cẩn thận, khắc phục xu hướng cách tân, làm mới di sản. Các công trình này có thể được sử dụng đồng thời cho các mục đích văn hóa, giáo dục, và du lịch.

Thứ hai, cần tạo không gian văn hóa sáng tạo. Thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo. Phát triển các khu vực văn hóa sáng tạo trong thành phố và các vùng văn hóa khác nhau trên địa bàn thành phố, nơi các nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật có thể sáng tạo và biểu diễn. Khuyến khích nghệ thuật đường phố và triển lãm nghệ thuật công cộng. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch văn hóa.

Thứ ba, khuyến khích các sự kiện văn hóa và lễ hội. Tổ chức và hỗ trợ các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật, lễ hội, và hoạt động văn hóa khác để thúc đẩy sự tham gia của cư dân và du khách.

Thứ tư, giới thiệu giáo dục về lịch sử và văn hóa: Tạo các chương trình giáo dục về lịch sử và văn hóa của Hà Nội trong trường học và trong cộng đồng. Điều này giúp tăng cường nhận thức về giá trị của di sản văn hóa.

Thứ năm, khuyến khích ẩm thực truyền thống. Hỗ trợ các nhà hàng và quán ăn đại diện cho ẩm thực truyền thống của Hà Nội và Việt Nam. Điều này giúp bảo tồn và thúc đẩy văn hóa ẩm thực độc đáo.

Thứ sáu, phát triển các khu vực đặc trưng văn hóa. Xây dựng và phát triển các khu vực đặc trưng văn hóa để thúc đẩy sự tập trung của các hoạt động văn hóa và lễ hội. Hà Nội mở rộng đã bao gồm hai dòng chủ lưu là văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài, chứa đựng một phần của văn hóa Kinh Bắc và Văn hóa Sơn Nam Thượng. Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội cần chú ý đến đặc trưng của từng vùng văn hóa này để khai thác và phát huy lợi thế so sánh trong phát triển bền vững Thủ đô, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, làm giàu cho văn hóa Thủ đô.

Thứ bẩy, kết hợp với cộng đồng địa phương. Tương tác và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương và người dân để bảo đảm rằng quy hoạch và phát triển đô thị phản ánh và phục vụ đa dạng văn hóa của thành phố, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, chủ thể của quy hoạch đô thị, tạo động lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô.

Thứ tám là tăng cường hợp tác quốc tế. Hợp tác với các tổ chức quốc tế và thành phố khác để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, chú ý kết nối các đô thị trong khối ASEAN và tăng cường sự hợp tác với các Thành phố Sáng tạo trên thế giới

Thứ chín, sử dụng công nghệ thông minh. Sử dụng công nghệ thông minh để bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa, ví dụ như việc tạo ra ứng dụng hướng dẫn du lịch thông minh để khám phá các điểm tham quan văn hóa.

Thứ mười, hỗ trợ tài năng văn hóa và nghệ thuật địa phương thông qua các chương trình và dự án sáng tạo. Kết hợp giữa việc bảo tồn và phát triển văn hóa của Thủ đô Hà Nội với việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững sẽ giúp tạo ra một môi trường sống đa dạng và phong phú cho cư dân Thủ đô và du khách.

Theo PGS. TS. Phạm Duy Đức, việc tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử vào xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là công việc vừa cần có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, vừa cụ thể, chi tiết, đầy khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn sẽ góp phần hoàn thiện nhận thức để xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính khoa học, tính nhân văn, tính dân chủ và tính thực tiễn cao, tạo cơ sở và động lực cho phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, hội nhập và tỏa sáng, xứng đáng là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của đất nước.

Thùy Chi

Top