Bảo đảm tính khả thi của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành. Đồng thời, đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố…
Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII chiều 23/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trình bày tóm tắt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021 giao nhiệm vụ cho UBND Thành phố thực hiện rà soát, đánh giá, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai; thành lập Ban chỉ đạo Thành phố tổ chức lập quy hoạch; giao Viện Quy hoạch xây dựng là đơn vị tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Đồng thời, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng và các Sở, ngành liên quan lập Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung Thủ đô và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô, gắn với định hướng phát triển đô thị; đã báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua chủ trương; đồng thời đã được Thành ủy tổng hợp trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023; đồng bộ với nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022; đồng bộ tích hợp các định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạ ch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan.
Mục tiêu của Đồ án nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức - công nghệ và lịch sử văn hoá truyền thống. Hiệu quả trong sử dụng đất đai và có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch nhằm cụ thể các định phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kế thừa mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, cân đối hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn; rà soát điều chỉnh các giải pháp quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh phát triển mới và điều chỉnh các tồn tại bất cập của quy hoạch chung trong quá trình triển khai giai đoạn vừa qua.
Đồ án là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất về quy hoạch xây dựng, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia.
Giải pháp quy hoạch phải thích ứng, linh hoạt bảo đảm tính khả thi
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đến nay, thực hiện quy trình, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố; ý kiến góp ý, hướng dẫn của Tổ công tác của Bộ Xây dựng; đã báo cáo, trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo, góp ý; đủ điều kiện trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.
Về mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011: Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
Định hướng điều chỉnh, cơ bản kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt: Chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm gồm Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng; Khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm và Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Thành phố phía Tây, gồm Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai; các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên.
Về hệ thống đô thị, phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm. Về hệ thống nông thôn, phát triển theo chương trình Nông thôn mới và định hướng quy hoạch chung, gắn bó hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống; hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị,…
Đồ án cũng đã thống nhất với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng có 5 trục không gian chính: Trục không gian Sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Trục Hồ Tây - Ba Vì, kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với thành phố phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận. Tại nghiên cứu lần này được vi chỉnh hướng tuyến giao thông Trục Hồ Tây - Ba Vì phù hợp với điều kiện thực tế, không gian cảnh quan và tính khả thi triển khai đầu tư xây dựng.
Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử. Bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa sáng tạo của tương lai.
Trục Nhật Tân - Nội Bài, là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long – Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và Thành phố phía Bắc.
Phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị vệ tinh Phú Xuyên, đồng bộ với trục quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo dư địa và động lực phát triển mới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, qua nghiên cứu, rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã chỉ ra được 7 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế cơ bản.
Để khắc phục, đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này đã tập trung rà soát các giải pháp quy hoạch để bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các đề xuất quy hoạch liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, chuyển đổi sử dụng đất. Phân kỳ thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm với các chương trình dự án cụ thể, gắn với khả thi về huy động nguồn lực. Phối hợp đa ngành trong thực hiện quy hoạch, kết hợp với các giải pháp tích hợp đa ngành đã được đề xuất trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, để có sự thống nhất; có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch được nhanh chóng, đúng kế hoạch và đáp ứng mục tiêu đặt ra; giải pháp quy hoạch phải thích ứng, linh hoạt để ứng phó với các vấn đề biến đổi nhanh của kinh tế xã hội và các vấn đề phát sinh khác.
Hiện nay, đồng thời với nghiên cứu lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị, trong đó, đã đề xuất các nội dung về phân vùng thực hiện, tiến độ, lộ trình thực hiện, nguồn lực triển khai thực hiện, các khu vực trọng tâm, trọng điểm phát triển, các khu vực cần bảo tồn, phát huy giá trị, phương án hài hòa triển khai đầu tư, quản lý phát triển khu vực đô thị- nông thôn… bảo đảm tính khoa học và thực tiễn để đề xuất Thành ủy xem xét, thông qua sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thùy Chi