Hà Nội thảo luận kỹ giải pháp khắc phục chậm giải ngân đầu tư công
(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu thảo luận kỹ các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, khắc phục tình trạng chậm giải ngân trong thời gian vừa qua; đánh giá kỹ yếu tố tác động để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách các năm tiếp theo…
Chiều 23/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ; Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị lần thứ 14 của BCH Đảng bộ TP. Hà Nội.
Hội nghị lần thứ của BCH Đảng bộ Hà Nội nhằm thảo luận cho ý kiến đối nhiều nội dung quan trọng như: Quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ 18 Đảng bộ Thành phố; tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại hội nghị, tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, năm 2023, Thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của Thành phố...
Tuy nhiên, Thành phố đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đánh giá lại tính khả thi của các dự án chưa triển khai
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bí thư Thành ủy yêu cầu cần được thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án, trong đó cần tập trung một số vấn đề như: Tính khả thi của nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng điểm, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi, y tế, giáo dục, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các dự án dân sinh bức xúc…
Bên cạnh đó, cần thảo luận, cho ý kiến về các nội dung Ban cán sự Đảng UBND Thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đồng thời rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án trong kế hoạch trung hạn chưa triển khai để đề xuất giải pháp cắt giảm, điều chuyển vốn trung hạn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của Thành phố. Đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua.
Đối với dự toán NSNN năm 2024, Kế hoạch Tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, năm 2023, về tổng thể, ước thu ngân sách vượt dự toán Trung ương giao; song, các khoản thu về nhà, đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do nguồn thu phát sinh ít, đồng thời công tác đấu giá đất năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khoản thu tiền sử dụng đất dự toán năm 2024 dự kiến giao là 36.100 tỷ đồng, tăng 21.450 tỷ đồng (gấp 2,46 lần) so với ước thực hiện năm 2023 là 14.650 tỷ đồng (năm 2023 giao là 17.000 tỷ đồng), gây áp lực cho cân đối thu chi của Thành phố.
Vì vậy, hội nghị cần đánh giá kỹ các yếu tố tác động, nhất là những khó khăn từ thị trường tài chính, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, khả năng khai thác các nguồn lực trên địa bàn, để xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026 sát thực tiễn, có tính khả thi cao, tính bền vững.
Về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể và các giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, cần trao đổi, làm rõ tính chất liên kết vùng, quốc tế của Thủ đô; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây. Nghiên cứu định hướng các trục không gian của TP. Định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4. Nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2024 và những năm tiếp theo.
Gia Huy