Doanh nghiệp bán lẻ tăng kích cầu tiêu dùng cuối năm

24/10/2022 9:32 AM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường hàng hóa cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Điểm nhấn trong lĩnh vực thương mại chính là việc triển khai hiệu quả các chương trình khuyến mại và thời điểm cuối năm cũng chính là lúc để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa, kích cầu mua sắm.

Doanh nghiệp bán lẻ tăng kích cầu tiêu dùng cuối năm - Ảnh 1.

Các siêu thị đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nhu cầu tiêu dùng gia tăng

Nếu như thời điểm này năm trước, cả nước vừa bước qua giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sức mua của thị trường ở "mức đáy" thì 9 tháng năm 2022 đã bật tăng mạnh mẽ. Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Hà Nội ước đạt 512.000 tỷ đồng, tăng 33,1%. so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là chỉ số kinh tế ấn tượng, cho thấy nhu cầu tiêu dùng gia tăng, giúp thương mại dịch vụ phục hồi nhanh. Sự phục hồi này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm với các dịp lễ quan trọng.

Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ: "Đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao, 9 tháng qua, chúng tôi liên tục mở rộng quy mô bằng việc khai trương hàng trăm siêu thị, cửa hàng và cửa hàng đa tiện ích WinMart/WinMart+ trên phạm vi toàn quốc. Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, chúng tôi dự tính năm 2022 sẽ đạt tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước".

Tương tự, Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị điện máy MediaMart Vương Tuấn Anh đánh giá, sức mua trong quý IV-2022 sẽ tăng nhanh khi đây là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lớn như: World Cup, tháng khuyến mại Hà Nội, tháng khuyến mại tập trung quốc gia, Tết Dương lịch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cũng như các ngày hội mua sắm…

"9 tháng qua, hệ thống siêu thị điện máy MediaMart đã đưa vào hoạt động thêm gần 40 cơ sở trên cả nước và sẽ tiếp tục khai trương các điểm bán mới từ nay tới Tết Nguyên đán", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị GO&BigC cũng lạc quan nhận định, dịp cuối năm thị trường tiếp tục xu hướng phục hồi và sẽ sôi động tương đương trước đại dịch.

Tuy nhiên, ngành bán lẻ vẫn còn nhiều khó khăn khi hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn có mức tăng giá khá cao, nguồn cung chưa ổn định, chưa kể phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh. Bên cạnh đó, sức mua tuy hồi phục nhưng chưa mạnh bởi nhiều người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu do lạm phát…

Tạo thêm "sức bật" cho các doanh nghiệp bán lẻ

Do đó để kích cầu tiêu dùng cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ. Hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ đang tiến tới mở thêm hơn 300 siêu thị, cửa hàng mới trên toàn quốc. Theo đó, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dồi dào, đồng thời sẽ có nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm.

Đại diện hệ thống siêu thị GO&BigC cho biết, nhà bán lẻ này sẽ đa dạng nguồn cung để bù đắp lượng thiếu hụt, chú trọng tới nguồn hàng ổn định và giá thấp ở trong nước và sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình khuyến mại nhằm duy trì và thu hút khách.

Hệ thống siêu thị điện máy MediaMart cũng khẳng định sẽ đa dạng hàng hóa sản phẩm, nhà cung cấp; sớm đàm phán với các hãng/nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng chính hãng với chất lượng và chính sách bán hàng tốt nhất; tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Để tạo thêm "sức bật" cho các doanh nghiệp bán lẻ, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mại, xúc tiến tiêu dùng như sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ-Hanoi midnight sale 2022," "Hà Nội-Online xuống phố" gắn với ngày Black Friday, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%.

Cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…"Hà Nội sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh, thành phố tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, mở các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, góp phần giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô," bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố, trong đó dự báo nhu cầu mua sắm tăng hơn cùng kỳ năm trước. Kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa năm nay ước tính trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước). Thành phố cũng sẽ tổ chức các điểm bán hàng, chuyến hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, chế xuất, các vùng nông thôn; tổ chức các hội chợ xuân, chương trình khuyến mại tập trung thành phố...

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thùy Linh

Top