Thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

11/10/2022 1:23 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, mức tăng trưởng mạnh về thương mại nội địa chính là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thay đổi diện mạo ngành thương mại-dịch vụ Thủ đô.

Thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: VGP/DA

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô, hoạt động thương mại dịch vụ của Hà Nội đã có những bước tăng trưởng mạnh, vượt xa gấp nhiều lần quy mô thương mại những giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, mức tăng trưởng mạnh về thương mại nội địa là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm và 455 chợ truyền thống…

Với sức hấp dẫn và tiềm năng sẵn có, nhiều thương hiệu tên tuổi của nước ngoài như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)… đã không ngừng mở rộng và tăng sự hiện diện tại Thủ đô, góp phần nâng cao sự trải nghiệm cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt và tăng giá trị các sản phẩm hàng hóa trong nước.

Điển hình, tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Aeon Việt Nam đã khai trương siêu thị Aeon the Nine tại quận Cầu Giấy. Đây là điểm phân phối đầu tiên theo mô hình bán lẻ mới dưới dạng trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn của Aeon Việt Nam. Không giống các đại siêu thị, trung tâm mua sắm lớn được phát triển trước đó, Aeon the Nine có mặt bằng nhỏ gọn, bán nhiều mặt hàng, tích hợp các tiện ích như: Trạm sạc, truy cập internet không dây, quầy thanh toán không dùng tiền mặt…

Theo đại diện Aeon Việt Nam, mô hình bán lẻ mới này nằm trong chiến lược tăng tốc phát triển, đa dạng mô hình phân phối tại thị trường Việt Nam. Các siêu thị tinh gọn này có đặc trưng là nằm ở vị trí thuận tiện, đặt trong các trung tâm mua sắm hoặc khu dân cư, diện tích dưới 5.000m2, đáp ứng nhu cầu "gần và tiện" của số đông cư dân thành thị.

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh AEON, thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như: FamilyMart, K-Mart, Lotte, Central Group, Circle K… cũng liên tục mở rộng chuỗi bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Vào cuối tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nhà nước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện phát triển thị trường trong nước theo hướng thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia.

Mục tiêu là phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Đối với Hà Nội, trong lĩnh vực thương mại, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, máy bán hàng tự động, tổ chức kinh doanh thương mại tại phố đi bộ… Cùng đó, các loại hình thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại đang ngày càng được đầu tư, phát triển.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp bán lẻ còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Diệu Anh

Top