Tăng cường phối hợp xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ

05/10/2022 10:14 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới các quận, huyện cần tăng cường phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Tăng cường phối hợp xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ - Ảnh 1.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra. Ảnh: VGP/BP

Đó là chỉ đạo của Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tại buổi kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 03 Ctr/TU của Thành ủy ở Sở Công Thương Hà Nội ngày 4/10.

Báo cáo việc thực hiện Chương trình số 03 Ctr/TU của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo, rà soát lập danh mục dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các chợ của địa phương theo mục tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU. Đến nay đã tổng hợp danh mục 20 chợ dân sinh cần cải tạo nâng cấp, đặc biệt trong năm 2022 đã cùng chủ đầu tư, đưa vào hoạt động 2 trung tâm thương mại (TTTM) lớn là Vin Ocean Park Gia Lâm, Vinsmart City Nam Từ Liêm.

Riêng TTTM Aeonmall Hoàng Mai đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, chọn nhà đầu tư. Dự án này sẽ khởi công xây dựng vào tháng 11/2022 và đi vào hoạt động từ tháng 12/2024.

Dự kiến, từ nay đến hết năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các quận, huyện rà soát, hoàn thiện chi tiết kế hoạch, lộ trình đầu tư triển khai thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Chương trình số 03.

Nhằm tạo thuận lợi đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến với người dân khi dịch COVID-19 bùng nổ, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Tiki, Sendo, Lazada tiêu thụ nông sản; phối hợp UBND các quận, huyện hướng dẫn cá nhân, tổ chức tiếp cận và sử dụng hình thức bán hàng trực tuyến, tăng khả năng kết nối, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, các quận, huyện rà soát, xác định địa điểm dự kiến bố trí chức năng khu tổ hợp Outlet, làm căn cứ để xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.

Sở Công Thương phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Ba Đình, Hai Bà Trưng và thị xã Sơn Tây, thực hiện mở rộng các dự án tuyến phố đi bộ và đề xuất thêm 4 dự án mới gồm: Đề án khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (Ba Đình); Đề án không gian phố đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông, tuyến phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông.

Về lĩnh vực điện, đã hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, những tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, một số nhiệm vụ triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác phát triển điện lực, hạ ngầm lưới điện gặp nhiều khó khăn trong quá trình quy hoạch sử dụng đất, bố trí mặt bằng cho xây dựng công trình điện. Việc phát triển mô hình Outlet là loại hình mới, chưa có trong quy hoạch của TP. Hà Nội, chưa có quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể nên việc nghiên cứu đề xuất và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu Outlet gặp khó khăn.

Các quận, huyện trong quá trình xác định danh mục đầu tư cải tạo 20 chợ chưa chủ động triển khai, dẫn đến việc cải tạo chưa được như mong muốn. Các tuyến phố đi bộ, tuyến phố chuyên doanh đã được hình thành song việc duy trì để phát triển, bảo đảm tính hiệu quả còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế này, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội sớm xem xét phê duyệt danh mục các tuyến phố thực hiện hạ ngầm đường điện giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính và UBND các quận, thị xã rà soát, bố trí nguồn vốn cho hạ ngầm lưới điện khi triển khai dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn; Yêu cầu ngành điện phân bổ đủ kinh phí thực hiện hạ ngầm lưới điện theo quy hoạch.

Với lĩnh vực bán lẻ, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo sở ngành, UBND quận huyện phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng dự án TTTM, chợ, phức hợp Outlet kết hợp với du lịch.

Đồng thời yêu cầu các quận, huyện thị xã bố trí kinh phí đầu tư công để đầu tư xây dựng 20 chợ trong danh mục Chương trình 03 và chợ đã được phê duyệt trong kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Trước những kiến nghị của Sở Công Thương Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống, cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận huyện. Sở Công Thương sẽ làm đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp những thuận lợi, khó khăn của địa phương trong quá trình thực hiện, báo cáo lên UBND TP. Hà Nội, qua đó Thành phố sẽ đưa ra những phương án giải quyết khó khăn cho chủ đầu tư.

"Yêu cầu trong thời gian tới các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh triển khai xây dựng hệ thống chợ dân sinh, nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025", Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Diệu Anh

Top