Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để ứng phó với phòng vệ thương mại
(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, để đẩy mạnh và thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa cũng như nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu…
Doanh nghiệp hiểu về phòng vệ thương mại chưa sâu
Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất và đã ký kết nhiều FTA nhất trên thế giới. Trong các thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam; trong đó, có thể điểm tên những đối tác quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia...
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những khó khăn lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bởi vậy, trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á - Phi và châu Đại Dương, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường này.
Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia. Các biện pháp này được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp truyền thống như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và hình thức mới như chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Ngoài việc bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi cạnh tranh từ hàng hoá nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại còn được sử dụng như hàng rào ngăn cản gia nhập thị trường.
Như vậy, phòng vệ thương mại là các biện pháp hỗ trợ các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, được phép sử dụng có thời hạn nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để tránh việc các nước lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ quá mức các ngành sản xuất trong nước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định tự do thương mại (FTA) đưa ra các quy định khá chặt chẽ đối với việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, đến nay đã có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhận định: "Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ ở các mặt hàng xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời mà còn mở rộng sang các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập..."
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn trong điều tra phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe. Các cơ quan điều tra nước ngoài đòi hỏi cao ở nhiều khía cạnh như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung thông tin, và rất khó gia hạn. Kết quả kháng kiện phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm việc cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.
Riêng đối với Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với thị trường các nước châu Á, châu Phi và châu Đại Dương gồm 120 nước là thị trường xuất khẩu quan trọng trong những năm vừa qua, trị giá xuất khẩu hàng hóa tính đến hết quý III/2024 đạt gần 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một số ngành, một số doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Mặc dù vậy, do đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp.
Tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, tới đây thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới.
Cùng đó, xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; trong đó, chú trọng tới chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, sở sẽ tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung, hệ thống dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ kinh doanh, xuất khẩu. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới; hạn chế hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.
Riêng về phòng vệ thương mại, đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ thị trường, doanh nghiệp trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Thông qua hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài, kịp thời có báo cáo thay đổi về chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường để doanh nghiệp trong nước có đối sách phù hợp.
Ngoài ra, theo Sở Công Thương Hà Nội, Bộ Công Thương cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan làm công tác phòng vệ thương mại tại địa phương để triển khai có hiệu quả công tác và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, cần định hướng công tác tuyên truyền cho các địa phương, cung cấp thường xuyên, kịp thời thông tin, văn bản, tài liệu tuyên truyền cho các địa phương để có cơ sở tuyên truyền tại địa bàn.
Diệu Anh