Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ động nâng cao sức cạnh tranh

19/12/2022 2:07 PM

(Chinhphu.vn) - Để đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ động nâng cao sức cạnh tranh - Ảnh 1.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VGP/TL

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện ở nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, phát triển thương hiệu, kết nối ứng dụng các khoa học kỹ thuật, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại khuyến công trong và ngoài nước để từ đó các doanh nghiệp của thành phố có thể kết nối được với các doanh nghiệp trong khu vực châu Á và các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 Ban hành quy chế "Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội".

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực tham mưu với UBND TP. Hà Nội, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước. Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng - đây là nhóm doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ôtô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện-điện tử; Sản phẩm phục vụ ngành dệt may-da giày; Sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.

Cần những chính sách ưu đãi đồng bộ

Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)cho hay, tuy gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời cũng nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Đơn cử như các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, với những Công ty đã có các sản phẩm cơ khí chế tạo, điện-điện tử, dệt may, nhựa, công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao như TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, Ốc vít Brother, Trí Cường, Cơ Khí Hà Nội CNC,… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác dựng xây các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao với nhiều đối tác FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU.. ngay tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), được Tập đoàn N&G đầu tư, phát triển với những dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục triệu USD, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cùng Đất nước.

Năm 2023, với việc làn sóng đầu tư FDI tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, dự báo dư địa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ còn rất nhiều. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được cơ hội thì cần có giải pháp đồng bộ để đưa những chính sách ưu đãi đã có, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành cho lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đi vào cuộc sống, hơi thở của doanh nghiệp lĩnh vực này.

Đặc biệt là Nhà nước cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp và các văn bản thực thi dưới Luật, trong đó nêu rõ các ưu đãi cụ thể, để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, là "kim chỉ nam" để các cấp ngành chung tay thể chế hóa, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có định hướng, động lực và nhìn ra lợi ích thiết thực để chung tay phát triển, đẩy mạnh nhiệm vụ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mới đây, tại Chương trình cafe doanh nhân do Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại TP. Hà Nội (HPA), trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp về vệc tiếp cận vốn vay, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội Kiều Xuân Nghị cho biết, Quỹ sẵn sàng hướng dẫn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực nói riêng vay vốn theo đúng đối tượng và đúng quy định nếu các doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Vừa qua, Quỹ đã tổ chức 2 hội thảo xúc tiến đầu tư cho vay, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản phẩm chủ lực về vốn và đã có những ký kết hợp tác với các đơn vị này. Đặc biệt, phối hợp với HAMI nắm bắt với các đơn vị có nhu cầu cần vốn để Quỹ đầu tư xem xét cho vay theo quy định của pháp luật.

Về góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, các ngân hàng cũng luôn nắm thông tin để cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp phải minh bạch về tài chính, minh bạch về quản trị kinh doanh.

Diệu Anh

Top